[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,1-8″]
Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. – Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LUẬT YÊU THƯƠNG
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12,7).
Các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để tồn tại đều phải có luật. Bất cứ tổ chức, đoàn thể nào muốn duy trì cũng phải có những luật lệ, nội qui hay qui định riêng. Luật pháp được thiết lập là để giữ gìn trật tự và cũng để bảo vệ quyền lợi của mọi người. Tuy nhiên, Lề Luật của Nước Trời thì hơn như thế, đó là luật của bác ái, luật của yêu thương.
Người Do Thái cũng có luật. Đối với họ, Lề Luật là Thập giới do chính Thiên Chúa ban xuống qua ông Mô-sê trên núi Xi-nai. Thập giới, qua thời gian, đã được giải thích tỉ mỉ để có thể chu toàn, được ghi lại trong sách Lê-vi và Đệ Nhị Luật thành hơn năm trăm điều. Ngay từ đầu, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn ký kết một giao ước đầy tình yêu mến và tự nguyện, nhưng giao ước ấy lại được giải thích quá chi tiết đến mức chi li nhỏ nhặt. Những người Pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su được đặt lên để cắt nghĩa và giải thích luật. Nhưng, thay vì giúp mọi người trung thành với giao ước, họ sinh ra vụ luật và thậm chí, dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ. Người Pha-ri-sêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cho họ thấy giá trị thực của lề luật, luật được ban cho con người vì con người. Và Thiên Chúa là Đấng ra lề luật cũng như kiện toàn, “Con Người làm chủ ngày Sa-bát”.
Ngày hôm nay, phải chăng chúng ta cũng đang là những người Pha-ri-sêu khi chỉ giữ luật một cách máy móc, hình thức. Luật nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát xuất phát từ việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi sau khi hoàn thành chương trình tạo dựng. Nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Vì Người biết chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần bồi bổ sức sống sau nhiều ngày làm việc vất vả. Người biết chúng ta cần thời gian để sống chậm lại, dâng lễ với Chúa trong sự riêng tư và xây dựng các mối tương quan với người khác. Chúng ta đã thánh hóa ngày của Chúa như thế nào? Nếu chúng ta giữ luật, luật sẽ giữ chúng ta. Kinh Mười Điều Răn nói với chúng ta rằng sau tất cả chỉ tóm gọn trong một chữ yêu, yêu mến Chúa – yêu thương người. Chúng ta được mời gọi dành thời gian cùng hiệp dâng Thánh lễ, và làm các việc lành. Chính tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua tinh thần vị luật để đạt tới sự tự do của những người con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Ai yêu thương thì chu toàn lề luật” (Rm 13,8) hay thánh Augustinô cũng nói rằng: “Bạn hãy yêu thương đi rồi muốn làm gì thì làm”.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra giá trị của luật Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em bằng tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con thực hành. Amen
[/loichua]