Thứ Sáu Tuần VII Mùa Thường Niên – Ngày 24/05/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 10,1-12″]

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KHẾ ƯỚC TÌNH YÊU

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ” (Mc 10,9)

Trong thánh Lễ cử hành Bí tích Hôn Phối, chúng ta chứng kiến hai người một nam và một nữ nói lên sự ưng thuận trong hôn nhân: “ Maria …, anh nhận em làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh” , và sau đó người nữ cũng sẽ lặp lại điều đó đối với người nam. Và ngay lúc đó vị chứng hôn đại diện Giáo hội tuyên bố đối với đôi hôn phối và cộng đoàn tham dự về khế ước Hôn nhân, đó là “sự gì Thiên Chúa kết hợp thì không được phân ly” (Mc 10,9).

Bài Tin Mừng hôm nay nói về luật bất khả phân ly trong Hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập ngay từ tạo thiên lập địa và không ai có quyền hủy bỏ luật này.

Vậy tại sao trong Cựu Ước: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”: Theo sách Đnl 24,1-4, khi người chồng không muốn sống chung với người vợ nữa thì có quyền ly dị và trao cho vợ một chứng thư ly dị; và người vợ này có thể tái giá. Song Chúa Giêsu giải thích cho họ biết Môsê cho ly dị như thế không phải vì bản chất của Hôn nhân là được ly dị mà “chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều luật đó cho các ông.” (Mc 10,5). Vì từ “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ” “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”: Chúa Giêsu trích lại Kinh Thánh trong sách St (1,27; 2,24) để chứng minh cho luật bất khả phân ly của Hôn nhân do Thiên Chúa thiết định, không ai có quyền thay đổi. Còn việc Môsê cho ly dị trong sách Đnl 24,1-4 chỉ là sự nhượng bộ vì sự yếu đuối của con người và vì sự cứng lòng của cha ông họ mà thôi.

Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Đức Giêsu và luôn khẳng định đặc tính vĩnh viễn của Hôn nhân Công giáo, một vợ một chồng và bất khả phân ly. Không ai có quyền huỷ bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa.

Trong đời sống Hôn nhân hay ơn gọi Linh mục, chúng ta đều được mời gọi xây dựng một khế ước tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập và nâng lên hàng Bí tích: Bí tích Hôn Phối và Bí tích Truyền Chức Thánh. Trong đời sống gia đình, chúng ta phải sống khế ước một vợ một chồng và chung thủy trọn đời. Còn đời sống Linh mục của Chúa, chúng ta cũng sống ơn gọi độc thân khiết tịnh để thuộc trọn về Chúa một cách trung thành. Vì chính những ơn gọi này trở nên dấu chỉ của sự liên kết giữa Thiên Chúa và Hội Thánh. Vì thế, dù sống trong ơn gọi hay bậc sống nào, thì chúng ta đều cần phải sống trọn khế ước mà chúng ta đã tự do trọn lựa. Nhưng để sống được trọn vẹn giao ước mà chúng ta đã cam kết thì chúng ta phải nhờ ơn Chúa qua Lời Chúa và các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống.

Chúng ta cùng dâng lên Chúa các gia đình trẻ hôm nay. Xin Chúa giúp họ luôn biết đặt Chúa vào trong gia đình và tình yêu của họ, để can đảm sống trung tín với lời cam kết trong hôn nhân, là yêu thương nhau suốt cuộc đời. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.