Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Ngày 11/04/2025

Lời Chúa: Ga 10,31-42

Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh?” Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

 

SỰ NHẤT QUÁN TRONG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

“Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta” (Ga 10,37-38).

Những lời này chứng minh sự nhất quán trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Mọi việc Ngài làm đều phản ánh chân thực giáo huấn của Ngài, không hề có mâu thuẫn hay giả hình. Sự nhất quán đó cũng cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Nhưng cũng chính những lời khẳng định ấy khiến người Do Thái tìm cách hãm hại Ngài. Vì sao vậy?

Chính Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho những người Do Thái muốn ném đá Ngài: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các người muốn ném đã Ta?” Họ trả lời: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Cuộc đối thoại đầy căng thẳng này cho thấy rõ lý do người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu: Họ không thể chấp nhận căn tính đích thực của Ngài, dẫu rằng Ngài làm rất nhiều điều tốt đẹp. Nói cách khác, họ không thể chấp nhận rằng, Giêsu Na-da-rét là một con người, lại có thể ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ rằng Ngài sẽ bị bắt bớ vì đã công bố sự thật. Tuy nhiên, Ngài không lùi bước, nhưng can đảm thực thi sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Ta là Con Thiên Chúa” (Ga 10,36), “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30), hay “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha” (Ga 10,38). Vì đó là căn tính thực sự của Ngài.

Tình cảnh của Chúa Giêsu tương tự như tiên tri Giêrêmia trong Cựu Ước. Ông bị người ta thóa mạ, chế nhạo, tố cáo và tìm các hãm hại vì nói Lời Thiên Chúa. Dù vậy, ông vẫn luôn tin tưởng vào sự giải thoát của Thiên Chúa và không ngừng chúc tụng Ngài. Lời khẳng định “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha” của Chúa Giêsu cho thấy rằng, mọi việc Ngài làm không theo ý riêng, nhưng đều bắt nguồn từ ý muốn của Chúa Cha. Những phép lạ của Ngài – chữa bệnh, trừ quỷ hay phục sinh kẻ chết – không nhằm phô diễn quyền năng, mà để bày tỏ tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha. Chính sự nhất quán trong lời nói và việc làm theo ý Chúa Cha của Chúa Giêsu phản chiếu chân thực hình ảnh “Thiên Chúa Tình Yêu”, cũng như mối tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha.

Sự nhất quán trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu thì hoàn toàn trái ngược với “men Pharisêu và Xa-đốc” mà Ngài từng cảnh báo các môn đệ, vì “họ nói mà không làm” (x. Mt 8,3), hay “nói một đàng, làm một nẻo”. Do đó, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta noi theo sự nhất quán của Chúa Giêsu, luôn rao giảng và làm chứng cho sự thật. Là Kitô hữu, đặc biệt là chủng sinh, đức tin không chỉ dừng ở lời nói mà còn phải minh chứng bằng chính đời sống, qua việc thực thi ý Chúa, dám sống yêu thương và xót thương, dù phải hy sinh mạng sống mình. Người khác có thể không tin lời chúng ta nói, nhưng họ có thể nhận ra Thiên Chúa qua việc lành chúng ta làm. Vậy, lời nói và việc làm của tôi có theo thánh ý Chúa, và có phản chiếu mối tương quan của tôi với Ngài không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày dần trở nên giống Chúa Giêsu, Con Chúa, là một “Đức Kitô khác”, chứ không dần “khác Đức Kitô”, để phản chiếu sống động hình ảnh của Chúa.

 

Comments are closed.