LẶNG NHÌN THẬP GIÁ
Từ khi còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta đã cảm nhận Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày thật khác biệt và sâu lắng. Không khí trong nhà thờ trầm lặng hơn mọi khi, không có tiếng chuông, không có tiếng hát vui. Ngày ấy, chúng ta chỉ thấy buồn mà chẳng hiểu vì sao. Nhưng càng lớn, càng đi sâu vào đời sống đức tin, chúng ta mới cảm nhận được rằng: nỗi buồn ấy chất chứa tình yêu. Đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết – vì từng người trong chúng ta. Một chân lý nghe đã nhiều lần, nhưng chỉ khi bước qua những vết thương trong cuộc sống, chúng ta mới thấu hiểu tình yêu mang hình thập giá. Đôi khi cuộc sống chất chồng thử thách: công việc không như ý, người thân lâm bệnh, những mối quan hệ rạn nứt. Giữa bóng tối và sự cô đơn, chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài cũng buồn đến chết được, cũng thở dài, cũng cầu nguyện một mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà là theo ý Cha” (Mt 26,39). Ngài đã bước vào nỗi cô đơn và sợ hãi của con người, và chính ở đó, chúng ta thấy Ngài đồng hành với từng khổ đau của nhân loại. Thập giá đôi khi không phải là những biến cố lớn, mà là những va vấp nhỏ hằng ngày – một người thân khó tính, một lời nói vô tình, một giới hạn nơi chính bản thân. Chúa không hứa sẽ cất đi thập giá, nhưng hứa sẽ cùng chúng ta gánh lấy. Và chính khi ta không từ chối, không trốn tránh, ta mới thấy được ánh sáng Phục Sinh le lói sau những bước chân mệt mỏi.
Trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trao đi tất cả: danh dự, bạn bè, lời nói, và mạng sống. Bị hiểu lầm, phản bội, chế giễu, nhưng Ngài vẫn hiền lành và tha thứ. Tình yêu thật luôn đi kèm với sự hy sinh. Những hy sinh âm thầm trong cuộc sống, dù là vì gia đình, vì người thân hay vì người mình yêu thương, đôi khi vẫn không được ghi nhận. Nhưng chính Thập Giá giúp chúng ta nhận ra rằng không có yêu thương nào là vô ích. Sự thinh lặng hiện diện, như Đức Mẹ và thánh Gioan dưới chân Thập Giá, cũng là một cách yêu thương sâu sắc và chất chứa niềm hy vọng về ơn cứu độ. Thập Giá là nghịch lý: nơi tưởng là thất bại thì lại là vinh quang, nơi chết chóc lại là khởi đầu cho sự sống. Trong một thế giới chạy theo tiếng vỗ tay và ánh đèn sân khấu, Thập Giá dạy chúng ta sống âm thầm, hiến mình mà không cần được ghi công. Có những ngày thập giá thật nặng, nhưng niềm tin cho chúng ta sức mạnh để bước tiếp. Vì sau Thứ Sáu Tuần Thánh là bình minh Phục Sinh; vì không có đau thương thì không có vinh quang.
Học yêu như Chúa, nghĩa là yêu đến cùng và không mong đáp lại, chính là hành trình mà mỗi người Kitô hữu được mời gọi bước vào. Không ai trong chúng ta đủ sức tự mình yêu như vậy, nhưng ân sủng Chúa đang âm thầm hoạt động nơi những ai mở lòng. Mỗi lần chiêm ngắm Thập Giá, chúng ta thưa lên: “Xin dạy con yêu như Thầy”. Và chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày của u buồn tuyệt vọng, mà là ngày của tình yêu chiến thắng. Đau khổ được thánh hóa. Cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Và con người được cứu độ. Chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày như một Thứ Sáu Tuần Thánh: biết dừng lại, lặng nhìn Thập Giá và tự vấn lòng mình về cách sống yêu thương ngay hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, khi chúng con lặng nhìn lên Thập Giá, lòng chúng con trào dâng biết bao cảm xúc. Chúng con thấy máu, thấy nước, thấy những vết thương rướm đỏ, … nhưng trên hết, chúng con nhận ra Tình Yêu. Một tình yêu không lời, không điều kiện, không tính toán. Một tình yêu dám chết để chúng con được sống. Xin cho chúng con đừng chỉ dừng lại ở những xúc động, nhưng dám bước theo Ngài, từng bước nhỏ mỗi ngày. Xin cho chúng con biết vác thập giá đời mình với lòng tin tưởng và niềm hy vọng. Và xin cho chúng con biết yêu bằng một tình yêu chân thật, như chính Ngài đã yêu thương chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con trong từng nẻo đường thập giá đời thường. Để dù có vấp ngã bao nhiêu lần, chúng con cũng sẽ lại đứng lên, vì chúng con tin rằng Ngài luôn ở bên và nâng đỡ.
Giuse Nguyễn Trung Huy – Lớp Thần Học II