Lời Chúa: Ga 7,1-2.10.25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do Thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo. Có một số người ở Giêrusalem nói: “Đây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”. Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
NHÌN NGƯỜI THÂN CẬN BẰNG ĐÔI MẮT CỦA NIỀM HY VỌNG
“Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu” (Ga 7,27)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, trong Tin Mừng, thánh sử Gioan thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu lên Giêrusalem dự Lễ Trại của người Do Thái, một đại lễ qui tụ đông đảo khách hành hương. Khi đến nơi, Chúa Giêsu công khai giảng dạy tại Đền Thờ, khiến nhiều người ngạc nhiên. Một số người cho rằng họ “biết rõ” về Chúa Giêsu: biết Người chỉ là “con bác thợ mộc,” quê quán bình thường, không có gì nổi bật. Họ không thể chấp nhận một người có xuất thân bình thường nói được và làm được những lời phi thường. Vì thế, khi thấy lời nói và hành động đầy uy quyền của Chúa Giêsu, họ liền nghi kị và phủ nhận khả năng Người là Đấng Mêsia. Họ không thể thấy được nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu, và điều đó làm giới hạn sự hiểu biết của họ về Người. Nói cách khác, những người Do Thái đã đánh mất hy vọng để có thể hiểu về nguồn gốc thật sự của Chúa Giêsu.
Thái độ của người Do thái nói lên một nghịch lý chúng ta thường gặp: Khi hình thành quan điểm về một người quen biết, ta thường có xu hướng khó đón nhận những sự mới mẻ, tốt lành của họ. Thay vào đó, ta lại soi xét nhược điểm hoặc quá khứ lỗi lầm của họ, đến mức quên đi phần tốt đẹp đang hiện diện nơi họ. Cứ như thế, ta dễ rơi vào thói quen “dán nhãn” người khác dựa trên định kiến của mình. Điều này làm giới hạn khả năng hiểu biết và đón nhận của ta đối với tha nhân, khiến ta không nhìn thấy được hình ảnh Thiên Chúa đang phản chiếu nơi họ.
Trong đời sống hằng ngày, khi ta có ý nghĩ: “tôi biết quá rõ về người này” trước những biểu hiện tốt đẹp mới mẻ của tha nhân, thì ta đã vội “dán nhãn” họ bằng những khuyết điểm hay những lỗi lầm trong quá khứ của họ. Để rồi, những điều đó khiến ta bận lòng trong sự hẹp hòi và đố kị. Ngược lại, khi ta biết đón nhận những điều mới và tốt đẹp nơi tha nhân, ta sẽ thấy được phẩm giá cao đẹp nơi họ, những điều này vượt trên diện mạo tầm thường mà ta hay cho là “quá đỗi quen thuộc”.
Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ của mình đối với tha nhân, nhất là với những người gần gũi với mình. Chớ để sự quen thuộc đánh lừa ta, khiến ta quên rằng mỗi người luôn mang trong mình nét đẹp, sự tốt lành và sự thánh thiện của Thiên Chúa dù ngay lúc này ta không nhìn thấy được. Xin Chúa mở rộng tầm nhìn của mỗi người, giúp chúng ta có cái nhìn hy vọng đối với tha nhân. Niềm hy vọng sẽ làm cho tha nhân có cơ hội triển nở những điều mới mẻ đầy tốt đẹp và cũng là cơ hội cho bản thân tập nhìn thấy hình ảnh của Chúa nơi những người bên cạnh mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi óc phán xét hẹp hòi, khi nhìn nhận những người xung quanh con. Thay vào đó, xin dạy con nhìn anh chị em bằng đôi mắt của niềm hy vọng, giúp con nhận ra hạt giống công chính của Ngài, để cùng nhau, chúng con làm triển nở yêu thương, vun đắp tha thứ và xây dựng tình hiệp nhất. Xin Ngài đổi mới trái tim con, để con không chỉ thấy những lỗi lầm, nhưng còn biết cảm thông, đón nhận và đồng hành với nhau trong hành trình nên thánh mỗi ngày. Amen.