[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3,13-19″]
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn, và họ đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Người, và để Người sai họ đi rao giảng với quyền trừ quỷ.
Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phê-rô, Gia-cô-bê con Giê-bê-đê và Gio-an là em Gia-cô-bê, cả hai được Người đặt tên là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của sấm sét; rồi đến An-rê, Phi-lip-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mat-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê, con ông Al-phê, Ta-đê-ô, Si-mon nhiệt thành, và Giu-đa Is-ca-ri-ôt là kẻ nộp Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
Ở VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI SAI ĐI
“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi” (Mc 3,13).
Kính thưa cộng đoàn, các tông đồ là những người Chúa chọn cách đặc biệt để cộng tác với Người trong việc truyền giáo: Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm và đến sáng, Người gọi các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông gọi là tông đồ (x. Lc 5,12). Ơn gọi tông đồ là ơn gọi mang tính thánh thiêng và cao quý. Thánh thiêng vì ơn gọi này xuất phát từ chính ý định của Thiên Chúa; cao quý bởi là thụ tạo xác đất vật hèn được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ. Biết bao người tài năng, biết bao người thông minh xuất chúng… nhưng Chúa lại chọn một thuyền chài Phêrô, hay một người thu thuế Matthêu để làm tông đồ… Biết bao người trong muôn ngàn người, nhưng Ngài đã gọi chúng ta bằng tên chúng ta để cất bước vào cuộc hành trình tự hiến này.
Chúa Giêsu đã lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. Sau khi gọi các tông đồ, Chúa không bảo các ông đi rao giảng ngay và liền, nhưng Ngài mời gọi “Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (Ga 1,39). Ở lại là để sống mối tương quan thân thiết với nhau: “Thầy không không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Mối tương quan giúp ta hiểu biết lẫn nhau, các tông đồ đã ở lại với Chúa Giêsu để tạo mối tương quan mật thiết với Người. Nhờ vậy các tông đồ mới có thể cảm nghiệm về Chúa Giêsu một cách sâu xa “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (x. Ga 3,16) hầu có thể nói và làm chứng một cách xác tín và hùng hồn về Chúa Giêsu khi loan báo Tin mừng. Cuộc đời Chúa Giêsu cũng đã sống mối tương quan mật thiết với Chúa Cha (x. Mt 28,39) qua việc cầu nguyện (x. Mt 28,39-42) “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21) nên Ngài đã được Cha sai (x. Ga 14,24) đến trần gian đem Tin mừng cứu độ nhân loại. Là những chủng sinh, chúng ta được Chúa chọn gọi từ nhiều hoàn cảnh và môi trường khác nhau, thế nhưng tất cả chúng ta đều được quy tụ lại dưới mái nhà chủng viện để cùng sống, cùng học và đặc biệt là cùng ở với Chúa Giêsu cách thiết thân hơn. Thiết nghĩ, nếu chúng ta nhận ra những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho ta trong hành trình ơn gọi, và Đấng đã mời gọi chúng ta đang hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, thì ta sẽ đánh đổi tất cả những cản trở để tìm gặp Ngài nơi nhà tạm đơn sơ nhưng đầy ắp tình thương mến. Ngài hằng có đó hẹn ta mỗi ngày như người bạn thân muốn hàn huyên, tâm sự với ta “mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20). Một cuộc gặp gỡ thật sự với Đức Giêsu không thể làm ta ngồi yên nhưng thôi thúc ta lên đường đem tin vui cho mọi người như các thiên thần và mục đồng trong đêm Giáng sinh, như Anrê khi gặp Chúa đã lập tức giới thiệu Chúa cho Phêrô…
Có những cuộc gặp gỡ người ta không hề mong đợi; có những cuộc gặp gỡ chỉ là tình cờ thoáng qua; nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ mang lại cho ta nhiều ý nghĩa. Nguyện xin Chúa qua cuộc gặp gỡ và ở lại với Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, mang đến cho chúng ta những cảm nghiệm sâu xa về đức tin, về tình yêu tự hiến đến mức có thể dần biến đổi tận căn mọi tư tưởng, lời nói và hành động hầu xứng đáng được Chúa sai đến với con người của thế giới hôm nay.
[/loichua]