[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 21, 33-43.45-46″]
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?” Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỰ KIÊN NHẪN CỦA THIÊN CHÚA
“Sau cùng, chủ sai chính con trai mình đến với họ…” (Mt 21,37).
Tính từ “kiên nhẫn” được tự điển định nghĩa là không nản lòng, không thay đổi ý định và ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn hay trở lực. Theo định nghĩa trên thì ông chủ vườn nho trong trình thuật Tin Mừng hôm nay là một người rất kiên nhẫn.
Sự kiên nhẫn của chủ vườn biểu hiện qua việc ông sai hết người đại diện này tới người đại diện nọ đến với những tá điền để thu hoa lợi cho ông. Ông đã không đến trừng trị đám tá điền ngay khi toán đầy tớ đầu tiên mà ông sai đi bị chúng sát hại. Thay vào đó, ông kiên nhẫn tiếp tục gởi đến toán đầy tớ khác đông hơn, mong xoay chuyển được tình hình, nhưng đâu lại hoàn đấy. Sự kiên nhẫn của ông đạt tới tột độ khi sau cùng, ông sai chính con trai mình đến vì nghĩ các tá điền sẽ nể nang cậu. Thế nhưng, sự tàn ác của đám tá điền cũng tỉ lệ thuận với lòng kiên nhẫn của chủ vườn, khi chúng quyết chiếm trọn gia tài qua việc giết nốt đứa con thừa tự duy nhất của ông. Chủ vườn nho đã cho đám tá điền bất trung hết cơ hội này đến cơ hội khác để quay đầu là bờ, nhưng chúng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ và ra tay ngày càng tàn độc hơn.
Ông chủ vườn nho trong Tin Mừng hôm này là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa vì muốn cứu nhân độ thế nên đã gửi đến các vị ngôn sứ suốt dọc dài lịch sử, để kêu gọi dân thánh tin tưởng và đi trong đường lối Ngài; để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa (x. Lc 1,16-17). Nhưng Israel bất trung đã bắt và giết hại các ngôn sứ. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đến độ sai Con Một là Chúa Giêsu, với ước mong nhân loại sẽ đón nhận Người và qua đó được cứu độ. Thế nhưng, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,11); “họ tìm cách bắt Chúa Giêsu” (Ga 7,30); và trên núi Sọ, “họ đóng đinh Người vào thập giá” (Ga 19,18).
Thiên Chúa vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 13,8). Ngài vẫn kiên nhẫn với nhân loại. Qua sứ điệp Tin Mừng, qua những dấu chỉ của thời đại và qua Giáo Huấn của Giáo Hội, Ngài vẫn kêu gọi và mở cơ hội để nhân loại kịp hoán cải, vẫn rộng vòng tay để đón đứa con tội lỗi trở về. Mỗi mùa Chay là mỗi dịp thuận tiện để chúng ta kiểm xét, sám hối và canh tân đời sống của mình trong tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình bằng sám hối, chay tịnh và bác ái. Kết cục của đám tá điền bất trung là ác giả ác báo. Việc họ bị tru diệt không phải do Thiên Chúa báo oán, nhưng đúng hơn đó là kết quả từ những gì họ đã làm. Cũng vậy, sự chai lì trong tội lỗi và thái độ từ chối đón nhận lời mời gọi hoán cải nơi mỗi người, cũng có nghĩa là người đó đã khước từ ơn cứu độ và chọn cho mình sự chết đời đời.
Ngạn ngữ có câu: “mọi chuyện bắt đầu không bao giờ là quá muộn”. Người thợ được gọi vào làm vườn ở giờ thứ mười một vẫn được lĩnh công một quan tiền (x. Mt 20,9). Người trộm lành nhận được phần thưởng Nước Trời lúc anh cận kề giữa ranh giới của sự sống và sự chết (x. Lc 23,42). Mẫu số chung của chúng ta là ai rồi cũng chết, chỉ khác là không ai biết mình sẽ chết vào giờ nào ngày nào. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần không ngừng tác động và dẫn lối, giúp chúng ta biết sám hối và canh tân đời sống của mình mỗi ngày, đặc biệt là trong mùa Chay thánh này, để khi ngày ấy bất chợt đến như một cơn gió, ta sẽ hân hoan vui mừng vì kèm theo tiếng Chúa gọi ta về với Người là lời nhắn: “Hỡi đầy tớ trung thành, hãy vào hưởng niềm vui của chủ người” (Mt 25,23). Amen.
[/loichua]