Thứ Sáu Tuần 30 Thường Niên – Ngày 30/10/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,1-6″]

“Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh phù thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊSU, HIỆN THÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

“Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về” (Lc 14, 4).

Con người được Thiên Chúa tạo dựng để hưởng hạnh phúc, nhưng đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ họ ngược lại còn hứa ban Đấng cứu độ, là Đức Giêsu Kitô. Ngài đã hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng chiếm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiên qua dung mạo của Đức Giêsu.

Bối cảnh của phép lạ mà Đức Giêsu thực hiện hôm nay, được diễn ra trong một bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh nhóm biệt phái. Đức Giêsu là một khách mời đặc biệt của bữa tiệc này. Theo ngôn ngữ của thánh sử Luca thuật lại, chúng ta thấy Chúa Giêsu có khá nhiều đối thủ: “những người hiện diện dòm xét Người” (Lc 14, 1). Những đối thủ này có lẽ chính là những khách dự tiệc cùng thuộc nhóm biệt phái với gia chủ. Họ “dòm xét” nhất cử nhất động của Đức Giêsu. Nhưng có một điều lạ là, hiện diện trước mặt Đức Giêsu có một bệnh nhân bị phù thũng. Phải chăng anh là khách được mời dự tiệc? Có lẽ không. Vì anh được xếp vào hạng người bị chúc dữ, nên không thể đồng hạng với nhóm Biệt phái được. Vậy thì chỉ còn một khả năng là: khi nghe biết tin Đức Giêsu đang dự tiệc ở đó, nên anh tới để xin Ngài cứu chữa. Anh là đại diện cho những người đau khổ, ước ao được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta thấy: Đức Giêsu đã cảm thông thân phận khốn khổ của người bệnh này, Ngài cũng biết những người biệt phải đang tìm cách, để bắt lỗi và có cớ tố cáo Ngài. Đức Giêsu đã hỏi họ: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?”. Ngài hỏi không phải để xin phép, nhưng là để chất vấn lương tâm của họ. Ngài chất vấn họ trực tiếp về tình tương thân, tương ái giữa con người với con người. Đức Giêsu đã viện dẫn chính những việc họ đã làm trong ngày Sabat, mà không coi đó là vi phạm luật: kéo bò, lừa khi nó bị rơi xuống giếng.

Suy nghĩ về Đức Giêsu và những người hiện diện trong bữa tiệc, chúng ta được mời gọi nhìn về chính thái độ sống của mình. Rất có thể, chúng ta cũng đang có cùng một suy nghĩ, như những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta cũng xét đoán anh em mình cách này cách khác, mà không có thái độ cảm thông chia sẻ. Nếu chúng ta có thái độ cảm thông chia sẻ, thì chúng ta đang mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu “chạnh thương” với tha nhân. Đặc biệt trong đời sống cộng đoàn: gia đình, giáo xứ, chủng viện, dòng tu… nếu thiếu vắng sự cảm thông, chia sẻ, thì rất có thể trong chính cộng đoàn đó chưa thực sự là một cộng đoàn lý tưởng như Thiên Chúa muốn, vì nơi đó vẫn còn tình trạng một người sống giữa cộng đoàn, mà cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn, giữa những khó khăn thất vọng, vì không được quan tâm chia sẻ.

Xin Chúa cho chúng ta có trái tim của Chúa, để chúng ta biết yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một gia đình, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu tràn đầy tình yêu thương của Chúa. Có như thế, chúng ta mới có thể làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Bởi vì chính Chúa đã nói: “ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Xin Chúa luôn nhắc chúng ta ghi nhớ điều đó. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.