Lời Chúa: Ga 1,29-34
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
THẤY VÀ LÀM CHỨNG VỀ NIỀM HY VỌNG
“Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa…” (Ga 1,29)
Vào chiều ngày 9/5/2024, trong giờ Kinh Chiều II – Lễ Chúa Lên Trời, ĐTC Phanxicô đã trao Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 với tựa đề “Niềm Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng đau khổ không làm mất hy vọng, vì chúng ta có niềm hy vọng là chính Đức Giêsu Kitô – Đấng mà Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Bài Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe nhấn mạnh hai hành động quan trọng của Gioan: “thấy” và “làm chứng”. Trước hết, Gioan “thấy” Đức Giêsu tiến về phía mình. Việc “thấy” ở đây không chỉ là nhìn bằng giác quan, mà còn là “thấy” bằng con mắt đức tin. Cái “thấy” của Gioan cũng không chỉ là nhận diện bên ngoài, nhưng còn là một sự hiểu biết thâm sâu nhờ mạc khải của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Chính Gioan đã nói rõ rằng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’” (c.33).
Thứ đến, khi “thấy” Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả liền mạnh mẽ “làm chứng” rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Với lời chứng này, Gioan giới thiệu Đức Giêsu như là Chiên Vượt Qua, Đấng gánh lấy tội lỗi nhân loại, mang ý nghĩa cứu chuộc như hình ảnh con chiên hy sinh trong Cựu Ước (x. Xh 12,1-14; Is 53,7). Điều này khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô chính là niềm hy vọng duy nhất cho nhân loại. Bài đọc 1 trích thư thứ nhất của thánh Gioan cũng củng cố điều này: “Anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (1 Ga 3,5).
Quả thực, Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng tuyệt đối, không chỉ dành riêng cho Ít-ra-en, nhưng cho toàn thể nhân loại, ở mọi nơi, mọi thời, và trong mọi hoàn cảnh. Chính Gioan Tẩy Giả đã “thấy” và “làm chứng” điều đó. Niềm hy vọng này không chỉ là một ý niệm trừu tượng, mà là một thực tại sống động, được cụ thể hóa qua sự tha thứ, chữa lành, và lời hứa về sự sống đời đời mà Đức Giêsu mang đến.
Sống giữa một thế giới đầy rẫy những thất vọng vì khủng hoảng niềm tin, đổ vỡ gia đình, chiến tranh và nỗi cô đơn, trong năm thánh Hy Vọng này, người tín hữu được mời gọi noi gương Gioan Tẩy Giả, “thấy” và đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu bằng con mắt đức tin, bởi vì, như thánh Phaolô nói: “Niềm hy vọng đích thực không làm chúng ta thất vọng”. Đồng thời, họ được mời gọi nên giống Gioan Tẩy Giả, giới thiệu Đức Giêsu – Niềm hy vọng đích thực của nhân loại, Đấng đã đến và ở cùng chúng ta. Ngài chính là Đấng có thể chữa lành tâm hồn và mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống.
Sự làm chứng của người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải thể hiện qua đời sống phản ánh niềm tin vào Chúa Kitô. Bằng việc quan tâm đến người nghèo, tha thứ cho người xúc phạm, và kiên nhẫn trong các thử thách, người tín hữu có thể minh chứng rằng, niềm hy vọng nơi Đức Giêsu là nguồn an ủi và sức mạnh thực sự, giúp họ vượt qua mọi khó khăn và lan tỏa ánh sáng hy vọng trong thế giới tối tăm.
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Xin cho chúng con luôn biết lan tỏa niềm hy vọng là chính Chúa cho mọi người trên thế giới hôm nay, trong Năm Thánh của Niềm Hy Vọng này.