[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9,14-15″]
Khi ấy, Chúa Giê-su sang miền Ghê-sa-rê-nô, các môn đệ Gio-an đến gặp Người mà hỏi : “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không”. Chúa Giê-su nói với họ : “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHOẢNH KHẮC CỦA TÌNH YÊU VÀ NIỀM VUI
“Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay” (Mt 9,15).
Trong các tôn giáo, ăn chay được coi như là một phương thế chế ngự tính xác thịt để nâng tâm hồn hướng thượng. Riêng với người Do Thái, ăn chay đã trở nên rất phổ biến và là một hành vi tôn giáo quan trọng phải giữ trong ngày Đại lễ Xá Tội. Hơn thế, một số người giữ luật nghiêm ngặt, họ còn ăn chay thêm hai ngày mỗi tuần.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, các môn đệ Gioan đến thắc mắc với vẻ rất khó chịu khi chính họ và các Pharisêu ăn chay, còn tại sao môn đệ Chúa và thậm chí cả Chúa Giêsu lại không ăn chay? Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời có một không hai, khi Người vẽ nên bức tranh thật sống động là một tiệc cưới. Chúa Giêsu ví mình là chàng rể và các môn đệ là khách dự tiệc, là bạn của chú rể. Làm sao người ta lại ăn chay trong ngày vui trọng đại này? Vì chưng, tiệc cưới luôn được xem như thời gian và không gian dành trọn cho tình yêu và niềm vui, trong khi chay tịnh chỉ là phương thế giúp con người vươn tới tình yêu và niềm vui ấy. Qua đây, Chúa Giêsu đã đem đến khoảnh khắc mới, khoảnh khắc này không còn là khoảnh khắc của chờ đợi, của khóc lóc phiền muộn; nhưng là khoảnh khắc của tình yêu sung mãn, của niềm vui trào dâng. Bởi Thiên Chúa đã đến, Người đang hiện diện và ở giữa nhân loại nơi chính con người có tên Giêsu: “Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Thế nhưng, những người tự cho mình đạo đức lại không nhận biết Người: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Họ cố chấp trong suy nghĩ và cố hữu trong luật lệ, để cố tình bưng tai bịt mắt và cố thủ ôm ghì những qui đinh thật khắt khe, hình thức để lên án chính Chúa và bạn hữu của Người.
Khi tự nhận mình là chàng rể trong Tiệc Cưới, Chúa Giêsu đã loan báo một thời đại của niềm vui cứu độ và mời gọi mọi người tham dự vào Tiệc Cưới Nước Trời mà Người đang dọn sẵn, là chính Tin Mừng Người rao giảng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thế nhưng, nhiều người thời đại hôm nay vẫn cứ mải mê lao mình vào những tiệc cưới chóng qua đầy mãnh lực của tiền tài, danh vọng và đầy ma lực của bản năng xác thịt. Còn chúng ta, chúng ta có cảm nhận được từng khoảnh khắc trong đời, những chuyến tàu của Chúa đi ngang qua đời ta, để mời gọi ta vào dự Tiệc Cưới Nước Trời, nơi mà chỉ có tình yêu và niềm vui, nơi mà thánh Phêrô cảm nhận: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay” (Mt 17,4), nơi mà Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39), nơi mà thánh Phaolô chấp nhận: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Nhưng than ôi! Biết bao lần chúng ta đã lỡ tàu.
Lạy Chúa, giữa một cuộc sống đầy hấp dẫn và mới lạ đang mời mọc chúng con lao vào những tiệc cưới hư ảo, mỗi lần chúng con muốn nghiêng chiều về nó, đi ngược với Tiệc Cưới Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con biết khởi đầu ‘ăn chay’: chay những lời con nói, chay những điều con suy, chay những việc con làm và chay cả trái tim con. Có như thế, mỗi khoảnh khắc chúng con sống luôn được tham dự vào Tiệc Cưới Tin Mừng. Amen.
[/loichua]