[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9, 14-15″]
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.
[/loichua]
[loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHÁC BIỆT
“Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” (Mt 9, 14).
Người ta thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, để ám chỉ một xu hướng thích sự đồng nhất nơi con người. Những người có điểm tương đồng thường tìm đến với nhau. Điểm tương đồng có thể là lối suy nghĩ, cách nói năng, hành động hay chung nhau một niềm tin. Từ khuynh hướng này, con người đã thành lập những tổ chức lớn nhỏ. Những tổ chức đời thường thấy như Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Phụ Nữ, Hội Phụ Lão… Những đoàn hội mang tính tôn giáo như Dòng Tu, Tu Hội… Khuynh hướng này có thể giúp con người được phát triển. Đó là điều tốt. Tuy thế, khuynh hướng này sẽ trở nên nguy hiểm khi nó thúc đẩy con người loại trừ những ai khác biệt mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mát-thêu đã đưa ra cho chúng ta một trường hợp điển hình: “Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” (Mt 9, 14).
Các môn đệ của Gioan và nhóm biệt phái là những người nổi tiếng đạo đức và được trọng vọng trong cộng đồng thời Chúa Giê-su. Họ chu toàn lề luật một cách nghiêm ngặt và chi li. Một trong rất nhiều những lề luật đó là việc ăn chay. Thường thì họ ăn chay một tuần hai lần (X. Mc 2, 18; Lc 18, 12). Ý hướng ban đầu của họ trong việc thực hành những việc đạo đức là tốt lành thánh thiêng. Tuy nhiên, nơi bài Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái và các môn đệ của Gioan đã dùng việc đạo đức để so sánh, xét đoán. Họ đã dùng việc tốt vào những việc không tốt chút nào. Họ “khởi đi từ Thần Khí mà lại kết thúc bằng xác thịt” (x. Gl 3,4), chỉ vì đã không chấp nhận được những khác biệt nơi người khác.
Nhờ ánh sáng của bài Tin Mừng soi chiếu vào cuộc sống, chúng ta có thể thấy trong gia đình, giáo xứ những trường hợp giống những môn đệ của Gioan và biệt phái. Những người đó muốn rằng ai cũng phải giống họ. Ai khác tôi thì người đó là sai, là xấu. Trong gia đình, chồng muốn vợ giống mình, vợ cũng muốn chồng giống mình. Cha mẹ muốn con cái rập khuôn cách suy nghĩ và việc làm của mình. Con cái lại muốn cha mẹ phải bắt kịp mốt của thời đại… Và chúng ta phải làm gì với tình trạng này? Chúng ta hãy đến học với Chúa. Học sự “hiền từ và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Qua đó, chúng ta sẽ đủ tỉnh táo và khiêm tốn để thấy sự khác biệt nơi người khác là sự phong phú cho cuộc sống mình.
Lạy Chúa, Chúa thật tuyệt vời khi tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, trong đó có loài người chúng con. Thật là kỳ diệu khi nhân loại giờ đây có trên bảy tỉ người mà mỗi người là một bản thể riêng biệt. Mỗi người là một tiểu vũ trụ mà trong đó sự vĩ đại và tình thương của Ngài được thể hiện. Xin cho chúng con biết đón nhận những sự khác biệt đó, ngõ hầu cuộc sống của chúng con ngày càng thêm phong phú và kỳ diệu hơn. Amen.
[/loichua]