Thứ Sáu sau lễ Chúa Hiển Linh – Ngày 10/01/2025

Lời Chúa: Lc 5,12-16

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

 

KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12)

Cầu nguyện là hình thức phổ biến nơi các tôn giáo trong việc giao tiếp với Đấng Thần Linh. Cầu nguyện là sự tỏ bày những ước nguyện, những trăn trở, những khó khăn của người tín hữu với Đấng mà mình đang kêu cầu. Đối với người công giáo, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở việc xin ơn, nhưng còn là nhìn nhận sự yếu đuối, mỏng giòn của phận người trước một Thiên Chúa Toàn Năng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành cho một người phong hủi nhờ vào lòng khiêm tốn của anh. Phong hủi là một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Bên cạnh đó, nó còn là dấu hiệu của người tội lỗi bị Thiên Chúa giáng phạt (x. Dnl 28,35). Và như thế, người phong hủi mặc dù còn sống nhưng như đã chết rồi. Họ bị xã hội loại trừ và sống lây lất ở những nơi riêng biệt. Người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay đã can đảm vượt qua rào cản của xã hội, anh “sấp mặt xuống” trước Chúa, hành động chỉ dành cho một vị vua, xin Chúa thương xót đến anh. Anh không xin Chúa làm theo ý mình, nhưng theo ý Chúa muốn: “nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi lành sạch.” Sự khiêm tốn trong lời cầu xin của người phong hủi là một bằng chứng mạnh mẽ về một đức tin trưởng thành của anh. Đáp lại sự khiêm tốn ấy, Chúa Giêsu không ngần ngại đụng vào và chữa lành cho anh: “Tôi muốn, anh sạch đi.”

Trong đời sống cầu nguyện, nhiều người kitô hữu cảm thấy dường như Chúa vẫn im lặng và chẳng đoái hoài đến lời cầu xin của mình. Họ kiên trì cầu nguyện trong nhiều năm chỉ với một ơn xin, nhưng sao Chúa vẫn lặng thinh. Chính vì không được ơn như ý, nhiều người chán nản trong việc cầu nguyện, cùng với đó là sự khô khan, nguội lạnh trong việc sống đạo. Cầu nguyện không chỉ là xin, nhưng quan trọng “là một chuyển động của con tim, nó đơn thuần chỉ là một ánh nhìn hướng về trời, một tâm tình tạ ơn và yêu mến kể cả khi gặp gian nan thử thách lẫn lúc an vui” (Têrêxa Lisieux). Thật vậy, cầu nguyện không cần phải hoa mĩ, cầu kì nhưng là thổ lộ với Chúa những điều giản dị, đơn sơ và tự nhiên nhất xuất phát từ con người yếu đuối của mình. Vì thế, khiêm tốn là điều không thể thiếu trong việc cầu nguyện. Chính sự khiêm tốn là bí quyết để nhận ra rằng, lời cầu xin của ta chưa chắc là tốt cho ta, nhưng ý Chúa muốn chắc chắn là tốt cho ta. Hơn nữa, khiêm tốn sẽ đưa người kitô hữu đến gần Chúa hơn và đó là điều quan trọng trong việc cầu nguyện. Mặc dù, trong phận người, ta cần lắm sự đáp lời của Chúa, nhưng hãy nhớ rằng, Chúa thì quan trọng hơn tất cả. Do đó, ta hãy khiêm tốn trong lời cầu nguyện của mình: “Nếu Chúa muốn, xin vâng theo ý Chúa.” Chắc chắn, Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để ta luôn vững lòng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa! Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết khiêm tốn trong lời cầu nguyện của mình. Khiêm tốn để nhận ra thân phận yếu đuối của bản thân cũng như nhận ra tình yêu cao vời mà Chúa dành cho chúng con. Để từ đó, chúng con biết thanh lọc ý hướng trong lời cầu nguyện của mình, vâng theo ý Chúa hơn là ý riêng bản thân. Amen

 

Comments are closed.