[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 1,43-51″]
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan
Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.
Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐẾN MÀ XEM
“đến mà xem! ” (Ga 1, 46)
Tục ngữ Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, câu nói ấy đề cao cái “thấy” hơn nhiều lần cái “nghe”, bởi “nghe” có thể dễ rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”, còn “thấy” thường “thấy tận tay ray tận mắt”. Phải chăng, Philipphê cũng muốn Nathanaen một lần thấy Chúa Giê-su “tận tay ray tận mắt” bằng xương, bằng thịt khi ông đề nghị “đến mà xem”.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, ông Philipphê muốn chia sẻ niềm vui của mình cho người bạn Nathanaen, về việc ông được Chúa Giê-su “con ông Giuse, người Nadaret” gọi trở thành môn đệ và được ở với Người. Tuy nhiên, người bạn ấy thay vì vui mừng cho ông, thì lại tỏ ra thái độ không mấy quan tâm, bởi khi ngồi dưới gốc cây vả, Nathanaen vẫn tìm kiếm trong vô vọng những gì dân Do Thái dựng nên trong đầu ông về một Đấng Cứu Thế quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải trong thân phận một bác thợ mộc ở quê nghèo Nadaret. Thế nhưng, Philipphê không hề tỏ vẻ tức giận hay cãi lại, mà rất bình tĩnh trả lời “đến mà xem”. Và rồi Nathanaen vẫn dám bước ra khỏi thành kiến để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông tuyên xưng và được biến đổi để trở nên môn đệ của Người.
Trong cách phản ứng khôn ngoan của Philipphê, chúng ta nhận ra cách duy nhất để thuyết phục người khác đến với Chúa là đưa họ đến với Ngài, bằng chính kinh nghiệm gặp Chúa nơi mình, chứ không phải chỉ giảng đạo lý cho họ nghe. Quả thực, nếu chúng ta dù có nói cho người khác “nghe 100 lần” về Chúa, mà không cho họ “thấy 1 lần” điều chúng ta sống những gì chúng ta nói, thì cũng chẳng có sức thu hút dẫn họ đến với Đức Giêsu, gặp gỡ qua Lời Ngài, để có thể biến đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Vì thế, “đến mà xem” là bổn phận của người Kitô hữu giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính kinh nghiệm sống đức tin của mình, một kinh nghiệm mà nhạc sĩ Phong Trần qua ca khúc “đến mà xem” đã cảm nhận “đến với Thầy Giêsu, con học theo gương bao dung hiền từ;… con học theo gương khiêm nhường yêu thương, … đến với Thầy Giêsu, con xin ở lại bên Ngài mãi mãi, … con xin theo Ngài hăng say từ đây”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức bổn phận của mình là giới thiệu Chúa cho người khác, bằng phương pháp “đến mà xem”, bởi “hãy đến mà xem, Thầy Giêsu luôn ngọt ngào; hãy đến mà nghe, lời yêu thương, lời chân lý; hãy đến gởi trao, đường tương lai đang đợi chờ; hãy ở lại bên Thầy, tâm hồn ta tình yêu sẽ đong đầy”.
[/loichua]