Thứ Năm Tuần XXIII Mùa Thường Niên – Ngày 12/09/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6, 27-38″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

VÌ CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đang trực tiếp nghe Người và các môn đệ thuộc mọi thời, hãy biết sống giới luật yêu thương: Yêu thương những người yêu thương mình và cả kẻ thù của mình. Đây quả là một điều rất khó thực hiện, phải chăng nó đồng thuận cho bạo lực, cho sự yếu đuối trước bất công, và nó giống như một giáo thuyết xa vời, không thực tế của Chúa Giêsu?

Kẻ thù được hiểu là kẻ ngược đãi, những người đối xử cách bất nhân và làm tổn thương đến người khác. Vậy kẻ thù của tôi là ai? Đó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa và vu khống. Đó là kẻ vả má tôi và đòi đoạt áo ngoài của tôi. Những kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp. Họ là những người lợi dụng tôi, xúc phạm tôi bằng suy nghĩ, lời nói và hành động. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi. Yêu thương và cầu nguyện cho họ thật quá sức với tôi.

Đức Giêsu mời gọi ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình. Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa. Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên. Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể. Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ. Khi làm được một điều tốt cho kẻ thù của mình, chính chúng ta sẽ được giải phóng khỏi cái tôi “ăn miếng trả miếng”, giải phóng chính tâm hồn mình khỏi ngục tù của sự hận thù và đau khổ. Khi đó, tâm hồn và thân xác ta được chữa lành, và không còn coi họ là kẻ thù của ta nữa. Cần can đảm biết bao khi ta chào hỏi, bắt tay và cầu nguyện cho một người đã làm cho ta đau khổ. Đó không phải là một hành động giả hình, nhưng là một nỗ lực vượt thắng bản tính tự nhiên. Đó chẳng phải là hành vi của một kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

Trên thập giá, chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ hành quyết Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi”, đó là lời chia sẻ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi nói về Ali, kẻ đã ám sát ngài vào năm 1981. Chúng ta hãy noi theo gương sáng của Đức Giêsu, của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cùng nhiều người khác chung quanh ta trong việc yêu thương kẻ thù, bởi kẻ thù cũng là anh em ta, vì họ cũng là con được Thiên Chúa yêu thương như chúng ta. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.