Thứ Năm tuần XI Thường Niên – Ngày 22/6/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

“Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12)

Bước vào cõi nhân sinh, con người đã mang tội trong mình: “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51). Dấu vết và hậu quả của nguyên tội làm con người trở nên yếu đuối, dễ sa ngã và phạm tội. Vì thế, ai cũng cần được tha thứ: được Thiên Chúa tha thứ, được tha nhân tha thứ, tự tha thứ cho chính mình. Thế nhưng, để được tha thứ phải biết thứ tha như lời Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.

Điểm đặc biệt của lời cầu nguyện xin ơn tha thứ trong Kinh Lạy Cha đó là chỉ trong lời cầu nguyện này mới có một yếu tố thêm vào, đó là hành động của con người: “như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”; còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người. Tuy nhiên, chúng ta không được phép nghĩ rằng khi ta tha thứ cho người khác thì ta đã có một công nghiệp, và với công nghiệp này ta có quyền đòi hỏi sự tha thứ của Chúa. Thay vào đó, chúng ta cần ý thức con người chỉ được phép cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, khi con người về phần mình đã sống tinh thần tha thứ.

Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi dành cho những ai sống đời sống đức tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng để cho sự tự ái, lòng thù hận, hay sự chai cứng của con tim giết chết đi lòng nhân từ và thiện chí hòa giải. Bởi lẽ, tha thứ là một trong những thái độ căn bản trong đời sống của mọi người và đặc biệt là Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống tinh thần tha thứ cách triệt để, và đã dạy dỗ con cái theo gương Ngài sống tinh thần tha thứ cho nhau.

Tuy nhiên, tha thứ là một điều không dễ làm. Đó là hành vi đòi hỏi chúng ta phải mở lòng ra, đôi khi phải lấy hết can đảm để nói lên hai tiếng “tha thứ”, để đến với người có lỗi và giang rộng đôi tay ôm họ vào lòng. Không dễ chứ không phải là không thể, chính Đức Kitô là mẫu gương và là Đấng ban Thần Khí để giúp chúng ta sống tinh thần tha thứ.

Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để Chúa tha thứ cho mình. Được Chúa yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, chúng ta được mời gọi sống yêu thương tha thứ cho anh chị em của mình.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chung con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.