Thứ Năm Tuần XI Thường Niên – Năm C – Ngày 19/06/2025

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

DÁM THA THỨ – NỘI TÂM MẠNH MẼ TRONG THIÊN CHÚA

Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.(Mt 6, 15)

Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu không chỉ ban cho họ một lời kinh mẫu mực là Kinh Lạy Cha, mà còn mở ra một linh đạo sống cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại” (Mt 6,7). Trước đó, Người đã nói đến sự kín đáo trong việc bố thí: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Sau đó, Người dạy các môn đệ ăn chay âm thầm: “Hãy rửa mặt cho sạch và chải đầu cho thơm” (Mt 6,17). Đỉnh cao của lời dạy về ba thực hành đạo đức ấy là lời mời gọi sống tha thứ: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em…” (Mt 6,14). Không chỉ là các việc đạo đức bên ngoài, Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi vào một sự hiện diện chân thành và khiêm hạ trước Thiên Nhan.

Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho thấy: tha thứ đích thực – như việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay – không ồn ào, không phô trương, nhưng âm thầm lớn lên trong thinh lặng. Tha thứ là hoa trái của một nội tâm từng nếm trải đau thương và được Thiên Chúa chữa lành. Đó không phải là một hành động vì xúc cảm nhất thời, mà là kết quả của một đời sống ở lại trong Thiên Chúa. Chúa Giêsu không đưa ra một điều kiện trao đổi: “Nếu anh em tha thứ… thì Cha sẽ tha thứ”, nhưng Người mời gọi chúng ta bước vào con đường của Người – con đường đã được ghi dấu bằng sự tha thứ nơi tột cùng đau khổ trên Thập Giá. Người không đòi hỏi những hành vi lẫy lừng, nhưng mong ta sống đời thường với một tâm hồn ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi ta quyết định tha thứ, ấy cũng là lúc ta đối diện với sự thật về mình: rằng ta cũng là người cần được xót thương.

Ngày nay, người ta dễ gán “sức mạnh” cho những gì biểu lộ bên ngoài: lời nói mạnh mẽ, hành động quyết đoán, vị thế nổi bật. Nhưng Lời Chúa hôm nay vén mở một sức mạnh khác, sâu thẳm và chân thực hơn, đó là sức mạnh của người dám sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa và mở lòng yêu thương tha nhân. Tha thứ trong âm thầm chính là biểu hiện của một tâm hồn có nội lực vững chãi.

Tha thứ là tự nguyện buông bỏ quyền xét xử. Tha thứ là chọn sống tự do, không để oán hờn cột chặt mình vào quá khứ. Tha thứ là dám để ân sủng Thiên Chúa chảy qua mình đến người khác – không phải bằng khẩu hiệu hay lý thuyết, mà bằng một trái tim yêu thương trong kiên nhẫn và khiêm nhu.

Nhưng tha thứ không tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một đời sống nội tâm sâu lắng, được dưỡng nuôi bằng cầu nguyện và sự hiện diện thầm lặng trước nhan Chúa. Người cầu nguyện đích thực là người dám để Thiên Chúa chữa lành vết thương nơi mình, nhờ đó mới có thể mở lòng chữa lành người khác bằng tha thứ. Tha thứ có thể bị xem là yếu đuối và dại dột trong cái nhìn của thế gian, nhưng lại là sức mạnh trong ánh mắt Thiên Chúa. Người biết tha thứ là người đứng vững giữa những xáo động nội tâm, không để lòng thù hận bào mòn sự sống nơi mình. Tha thứ mở lối cho tâm hồn đi vào bình an đích thực. Vì thế, Chúa Giêsu đã kết thúc Kinh Lạy Cha bằng một lời dạy nghiêm nghị nhưng cũng đầy yêu thương: nếu anh em tha thứ, thì chính anh em sẽ được thứ tha.

Lạy Chúa, xin dạy con biết ở lại bên Chúa trong thinh lặng, để sống từng điều nhỏ với tấm lòng rộng mở. Xin ban cho con đủ khiêm hạ để nhìn nhận sự mong manh của mình và đủ mạnh mẽ để tha thứ không chút tính toán. Xin cho trái tim con trở nên nơi ẩn náu của lòng thương xót – như chính trái tim Chúa dành cho con. Amen.

Comments are closed.