Thứ Năm Tuần VII Mùa Thường Niên – Ngày 23/05/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 9, 41 – 50″]

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Ki-tô, thật Thầy bảo các con : kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi ; thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi ; thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi ; thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG LIÊN ĐỚI CÓ TRÁCH NHIỆM

“Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy,
thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9, 42).

Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo số 149 khẳng định rằng: “Tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội. Vì Thiên Chúa – Đấng tạo dựng con người – muốn như thế”. Điều đó có nghĩa là con người không sống một mình nhưng quy tụ với nhau thành một cộng đồng xã hội. Vì vậy, sống là liên đới, không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm với người khác. Theo chiều hướng đó, một hành vi hay chọn lựa của một người không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn lan tỏa đến những người xung quanh như người xưa vẫn dạy “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Trong đời sống chung, gương xấu và dịp tội là điều không thể tránh khỏi. Song, không vì thế mà chúng ta có thái độ thỏa hiệp: chấp nhận “sống chung với lũ” hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh; cũng không vì thế mà người gây ra gương mù gương xấu có thể phủ nhận hậu quả mà mình gây nên.Giáo hội dạy rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm cho chọn lựa và hành vi của mình. Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng rất rõ ràng và cương quyết. Ngài dùng nhiều động từ mạnh một cách tăng dần cường độ : buộc, ném, chặt… Điều đó thể hiện lập trường không khoan nhượng của Chúa Giêsu trước tội lỗi: phải dứt khoát loại trừ nó sớm nhất có thể cho dù phải chịu đau đớn và mất mát. Đối với những người làm cớ cho người khác sa ngã cũng thế, Chúa lên án rất nặng: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9, 42). Đó cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta hôm nay – cách nào đó sẽ là những người hướng dẫn đời sống đức tin cho những người sống gần chúng ta: con cháu, bạn bè, học trò, hay là đoàn chiên của mình.

Trong Tông huấn Sám hối và Hòa giải, ở số 16, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng “tội của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng cách nào đó đến những người khác”. Ngài nhấn mạnh: “không có tội nào, kể cả tội thâm sâu kín đáo nhất, tội hết sức riêng tư, lại chỉ liên quan đến người đã phạm mà thôi. Mỗi tội đều có những âm hưởng đến toàn Hội Thánh và trên toàn thể gia đình nhân loại”. Người Việt Nam ta vẫn khuyên bảo nhau: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Mỗi chúng ta đều mang trong mình trách nhiệm liên đới với người khác trong đời sống thiêng liêng, ta sẽ là ngọn đèn chiếu sáng đời sống đức tin, hay là vết mực vấy bẩn tâm hồn họ; là nhân chứng hay phản chứng của Tin Mừng?

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con biết khôn ngoan tránh xa dịp tội, đừng để chúng con thành cớ vấp phạm cho những người yếu lòng tin. Xin Chúa cũng gìn giữ các mục tử trong Hội Thánh Chúa khỏi mọi sự dữ và mưu chước cám dỗ của ma quỷ. Amen !

[/loichua]

Comments are closed.