[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 12,28b-34″]
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’. Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI: ĐẶC NÉT CỦA MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
“Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật
toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (Mc 12,33)
Triết gia Sophocles đã từng nói: “Có một từ có thể giải thoát chúng ta khỏi sức nặng và đau đớn của cuộc đời. Từ đó là tình yêu”. Tình yêu khiến cho con người trở nên người hơn. Cao hơn nữa, thánh Gioan đã đưa tình yêu trở thành thuộc tính của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, một người biệt phái đã chất vấn Chúa Giêsu xem coi đâu là giới răn trọng nhất. Và Người đã cho ông thấy đặc nét của một tình yêu đích thực: giới răn trọng nhất là “mến Chúa – yêu người”. Dành một chút suy gẫm về đoạn Lời Chúa sẽ giúp chúng ta khám phá và xét lại cuộc sống của mình về giới răn này.
Chúa Giêsu đã trích dẫn lời Kinh Shema để nói về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa: “Nghe đây, hỡi Israel, ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Đnl 6,4-5). Lời tuyên bố này không chỉ dừng lại ở việc nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nó còn là lời mời gọi đến việc dâng hiến trọn vẹn bởi tình yêu. Tình yêu này bao trùm toàn thể con người của chúng ta: cảm xúc, ước muốn, tư tưởng và hành động. Tình yêu Thiên Chúa hướng chúng ta đến vĩnh cửu. Một tình yêu không chỉ thoáng qua nhất thời, nhưng là một “cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi để đến với người khác” (ĐGH Benedictô XVI).
Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đây. Người còn đưa ra một mặt khác của giới răn trọng nhất này: “Hãy yêu tha nhân như chính mình người” (x. Mc 12,31; Lv 19,18). Đây không phải là một khái niệm mới, nhưng Chúa Giêsu đã thăng cấp giới luật này bằng cách đặt bên cạnh giới luật yêu mến Thiên Chúa. Nhưng lắm lúc, chúng ta sẽ tự hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” Hạn từ “tha nhân” mang một nội hàm rất rộng. Dường như bất cứ người nào cũng xứng đáng nhận được tình yêu của chúng ta dành cho họ. Nhưng để biến chuyển khái niệm “người lạ” thành “tha nhân”, “kẻ dưng” thành “bạn hữu” đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi chính mình và để cho tình yêu tác động.
Chúng ta biết rằng: mến Chúa – yêu người phải song hành với nhau. Thế nhưng, lắm lúc trong cuộc sống, chúng ta dừng lại và tự hỏi rằng: “Tôi đã sống giới răn này như thế nào? Tình yêu Thiên Chúa trong tôi phải cụ thể hóa bằng tình yêu với tha nhân ra sao?” Gặp một người hành khất bên vệ đường, hay chứng kiến một đám tang của “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”, thậm chí là nghe đâu đó tin tức về các vụ nạo phá thai…chúng ta mang trong mình những cảm xúc gì? Và chúng ta có để cho cảm xúc ấy đánh động con tim của một tình yêu vì tha nhân hay không? Có hai cách để chúng ta sống trọn giới răn yêu người này: đó là đặt mình vào hoàn cảnh và ý thức mọi người đều đáng được yêu thương. Và phải nhờ đến tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có đủ sức để đáp ứng những đòi hỏi ấy. Có như thế, giới răn mến Chúa – yêu người sẽ trở thành đặc nét của một tình yêu đích thực.
“Lạy Chúa Giêsu, điều Chúa luôn mong chờ nơi chúng con là tình yêu chân thành đối với Chúa và với nhau. Xin cho con biết yêu mến Chúa trọn vẹn con người của con, để nhờ đó con có thể can đảm bước đi trong “cuộc xuất hành của tình yêu” mà đến với tha nhân. Xin uốn nắn và tạo cho con một quả tim bằng thịt, để con biết bén nhạy trước những nhu cầu của anh chị em; biết cảm thông với những ai nghèo khổ, biết ủi an với những ai sầu buồn, biết khích lệ những ai nản chí; và biết hiện diện với họ bằng tình yêu của Chúa.”
[/loichua]