[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1, 46-56″]
Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ábraham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MANIFICAT – BÀI CA VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh tươi vui của cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và bà Elisabeth. Chính trong cuộc gặp gỡ này, khi cảm nhận được tình thương Thiên Chúa dành cho người chị họ Elisabeth, dành cho chính Mẹ, dành cho Israel và cho muôn thế hệ mà Mẹ Maria đã cất lên bài Manificat, bài ca về lòng thương xót, để ca ngợi và tri ân Thiên Chúa.
Trước hết, lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện nơi cuộc đời Đức Mẹ, mà cụ thể là việc chọn gọi Mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48). Khi xưng mình là nữ tỳ hèn mọn, Mẹ tự đồng hoá mình với lớp người thấp nhất trong xã hội thời đó, là nô lệ mà lại là tỳ nữ. Càng hạ mình trước Chúa, Mẹ lại càng làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đoái thương nhìn đến Mẹ. Ngoảnh lại và xót thương những người phận nhỏ là đặc tính mà Kinh Thánh đã nhiều lần mô tả về Thiên Chúa. Thứ đến, lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dành cho riêng Mẹ nhưng là dành cho muôn thế hệ biết kính sợ Thiên Chúa. Thực vậy, trong Bài đọc 1, Thiên Chúa đã đoái nhìn và xót thương mà cất đi nỗi đắng cay của bà Anna khi bà khẩn nguyện rằng: “Lạy Đức Chúa, nếu ngài nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con mà ban cho con một mụn con thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày suốt đời nó” (1Sm 1,11). Như thế, bà Anna, bà Elisabeth và Đức Mẹ được kể vào hàng những kẻ kính sợ Thiên Chúa bởi cả ba đã chỉ tin thờ một mình Thiên Chúa, đã chỉ cậy dựa vào một mình Người là Núi Đá như lời ca của bà Anna: “Chẳng có Đấng thánh nào như Đức Chúa, chẳng một ai khác ngoại trừ Ngài, chẳng có Núi Đá nào như Chúa chúng ta” (1Sm 2,2). Sau cùng, Thiên Chúa không chỉ xót thương những cá nhân như Abraham, bà Sara, bà Elisabeth…nhưng còn xót thương cả dân tộc nhỏ bé này trong từng giai đoạn của dân Chúa. Đặc biệt, Thiên Chúa đã xót thương cả nhân loại khi ban Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu, Đấng mà Mẹ Maria đang cưu mang. Chính vì lẽ đó, Đức Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài trải dài từ đời nọ tới đời kia.
Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, người Kitô hữu cũng được mời gọi nhìn lại cuộc đời để cảm nếm lòng thương xót của Thiên Chúa trong mỗi biến cố và khoảnh khắc của cuộc đời mình. Chúa đã xót thương ta khi ‘gọi’ chúng ta từ hư vô bước vào cuộc đời. Chúa đã đoái thương khi cho chúng ta được làm con Chúa trong lòng Giáo Hội. Và, Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài khi tha thứ cho biết bao tội lỗi của chúng ta. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng sống yêu thương bằng những cuộc ‘thăm viếng’ những người ở ‘vùng ngoại vi tình thân’ của chúng ta, những người bị (chính chúng ta) loại trừ bởi thành kiến hay một lỗi phạm nào đó. Chính khi hiện thực hoá tình thương bằng những việc cụ thể như thế, chúng ta mới thực sự cảm nếm niềm hân hoan có Chúa mà tiếp tục ca vang lời ngợi khen lòng thương xót như Đức Mẹ trong Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa, tâm tình của bài Manificat là hân hoan vui mừng và lý do khiến chúng con vui mừng là vì Chúa đã xót thương và đến viếng thăm dân Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con cần nhìn lại cuộc đời để cảm nghiệm sâu xa hơn tình thương và lòng thương xót Chúa dành cho bản thân, gia đình và Giáo Hội. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho chúng con biết sống khiêm nhường với một lòng biết ơn chân thành, ngõ hầu xứng đáng đón rước Chúa vào tâm hồn mình và mang Chúa đến với mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.
[/loichua]