Thứ Năm Tuần II Thường Niên – Ngày 18/01/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3,7-12″]

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU

“Người ta lũ lượt đi theo Chúa Giêsu” (Mc 3,7).

Tâm lý của người có bệnh là cầu tứ phương, hễ nghe ở đâu có thầy hay thuốc tốt thì dù xa mấy cũng tìm đến chữa trị. Điều này không lạ vì khát vọng của con người là được sống, sống dài lâu như những bậc quân vương thời xưa cố tìm thuốc trường sinh, hay như y học ngày nay tìm cách kéo dài tuổi thọ. Thế nên không có gì lạ khi trong Tin Mừng hôm nay, nhiều người từ khắp miền Israel đổ xô đến với Chúa Giêsu.

Nếu Chúa Giêsu chỉ là một lang băm và tin đồn về Người chỉ là thất thiệt thì cảnh tượng lũ lượt kia đã không xảy ra. Nhưng Giêsu Nazareth là Đấng Thiên Sai và quyền năng nơi Người là vô biên. Đồng thời, Người còn là Đấng thương xót nên đã chữa lành nhiều bệnh tật cho dân chúng.

Chúa Giêsu là Đấng uy quyền. Đọc những ghi chép của Tin Mừng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thích thú với những giáo lý mới mẻ của Chúa Giêsu: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc 1,22). Giáo huấn của Chúa Giêsu là chân lý, là Tin Mừng cứu rỗi; khác hẳn những giải thích đầy giáo thuyết và nặng nề của các kinh sư và luật sĩ Do Thái. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu không nói xuông nhưng luôn kèm theo hành động: “Người truyền cho các thần ô uế và chúng phải tuân theo” (Mc 1,27). Người khống chế sức mạnh của ma quỷ cách dễ dàng và nhanh gọn bằng lời nói. Phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ Người là Thiên Chúa, Người có quyền trên sự sống sự chết và trên ma quỷ.

Ngoài việc là Đấng uy quyền trong lời giảng dạy và hành động, Chúa Giêsu còn là Đấng thương xót. Lần giở Tin Mừng, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này. Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám dân không người chăn dắt, hóa bánh ra nhiều nuôi họ ăn no (x. Lc 6,34-44). Người xót xa trước cảnh mất đi đứa con trai là nơi nương tựa duy nhất của bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), thổn thức và xao xuyến khi người bạn Lazarô qua đời (x. Ga 11,32-44). Người thi ân giáng phúc cho “người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lòng thương xót ấy được biểu lộ trọn vẹn qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, để cứu độ chúng ta.

Đám đông Do Thái ngày xưa đã tìm đến Chúa Giêsu chỉ vì nghe những gì Người đã làm. Ngày nay, qua Giáo Huấn của Giáo Hội, chúng ta biết và biết chính xác về Chúa Giêsu như lời tác giả thư Gioan: “chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1). Uy quyền và lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên nhân loại qua mọi thời và ở mọi nơi. Đến cùng Chúa Giêsu, đông đảo dân Do Thái đã được chữa lành. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi đến với Chúa Giêsu để quyền năng Người che chở chúng ta trước những thế lực của sự dữ như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé (x. 1Pr 5,8); đến để được Người cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng (x. Mt 11,28); để Người băng bó những vết thương, xoa dịu những nỗi đau, lấp đầy những mất mát; để được chữa lành những đui mù, câm điếc, què quặt, phong hủi nơi tâm hồn chúng ta. Bởi “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20); và “khi Ngài rộng mở tay ban, là muôn sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 144,16).

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy soi dẫn chúng con biết tìm đến Chúa để tựa nép vào quyền năng vô biên và hưởng nếm lòng thương xót dạt dào của Người. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.