[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 21, 20-28″]
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Khi các con thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giu-đa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển.
Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
DỰNG XÂY GIÊRUSALEM TRÊN TRỜI
“Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 27)
Bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu tiên báo thành thánh Giêrusalem bị sụp đổ. Biến cố này được xem như một điềm báo về ngày quang lâm. Trong ngày đó, tất cả các Giêrusalem trần thế sẽ bị phá đổ để chỉ còn một Giêrusalem mới, Giêrusalem trên trời (x.Dt 12, 22).
Chúng ta có thể ngạc nhiên về việc Giêrusalem, thành của Thiên Chúa, bị sụp đổ. Giêrusalem thời Chúa Giêsu đã trở nên cớ vấp phạm cho dân Người. Sự hấp dẫn từ của cải vật chất mà thành mang lại đã khiến họ biến “nhà cầu nguyện thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,45). Họ thương mại hóa Lề luật, “nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng mà bỏ quên công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23). Chạy theo vật chất dẫn đến việc họ tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng họ thì lại xa Chúa (x.Mt 15,8). Giêrusalem thành thánh ngày nào nay chỉ là mồ mả tô vôi, “bên ngoài có vẻ công chính, nhưng bên trong toàn giả hình và gian ác” (Mt 23,28). Từ việc chạy theo vật chất, họ muốn độc quyền cả Thiên Chúa. Xưa kia, bức tường thành bảo vệ dân Chúa thì nay lại cản bước muôn dân. Họ khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào. Họ đã không vào, mà những kẻ muốn vào, họ cũng không cho (x.Mt 23,13). Họ yên tâm cậy dựa vào sự kiên cố của thành thánh mà khước từ những cảnh báo của các ngôn sứ. Và rồi, Giêrusalem bị phá đổ để muôn dân thoát khỏi đó mà hướng về Giêrusalem trên trời, bởi chưng “đã đến giờ con người thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng sẽ thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21.23).
Con người thời nay cũng đang xây cho mình những ‘Giêrusalem trần thế’. Những Giêrusalem này có thể được xây trên tiền bạc, uy quyền hay danh vọng. Chúng có sức hấp dẫn lôi cuốn đến lạ kỳ vì tạo cho con người một cảm giác an toàn. Việc sụp đổ của thành Giêrusalem năm xưa nhắc nhở chúng ta: sẽ đến một ngày, tất cả những Giêrusalem trần thế đó cũng sẽ bị tàn phá hết, “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Trong ngày sụp đổ đó, các môn đệ Đức Kitô hãy đứng ra xa, “Ai ở trong thành, hãy rời xa; Ai ở vùng quê, chớ có vào thành” (Lc 21,21) vì “sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này” (Lc 21, 23). Tránh xa để không vì hối tiếc mà bị lôi cuốn vào những phú quý vinh hoa của thành, “Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót” (Lc 17,32). Tránh ra xa để thấy được rằng tất cả chỉ là phù vân, chỉ có Thiên Chúa là Đấng Duy nhất và đáng tôn thờ, “mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi” (x.Gv 3.14). Để ngày đó có thể tránh xa những Giêrusalem trần thế thì kể từ hôm nay chúng ta cần luyện tập để xây dựng Giêrusalem trên trời, “một kho tàng mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (x.Mt 6,20). Với kho tàng trên trời, trong ngày Chúa đến, chúng ta sẽ dễ dàng “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,27) vì “kho tàng anh ở đâu, lòng trí anh ở đó” (Lc 12, 34). Vật liệu dựng xây Giêrusalem thiên quốc là sống các mối phúc: nghèo khó, hiền lành, thương xót, công chính, trong sạch, an hòa, nhẫn nhục và vui vẻ khi chịu bách hại (x. Mt 5,1-12).
Giữa một thế giới đang chạy theo vật chất, xin cho mỗi Kitô hữu luôn cảm nghiệm được sự chóng qua của thế gian này. Từ đó, chúng ta biết chung tay dựng xây Giêrusalem trên trời. Có như vậy, ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ đứng thẳng và ngẩng đầu lên chào đón Đấng quang lâm.
[/loichua]