Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên – Ngày 07/11/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,1-6.”]

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó.”

Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CAN ĐẢM SỐNG NIỀM TIN KITÔ GIÁO.

“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Mt 17,5).

Mọi tôn giáo đều gắn liền với niềm tin vào Đấng Thần Linh. Niềm tin đó giúp người tín đồ mở lòng đón nhận giáo huấn để làm tiêu chuẩn cho đời sống của mình. Giáo Hội Công Giáo chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất là Cha Toàn Năng; tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh cửu. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của niềm tin trong đời sống, và Ngài mời gọi chúng ta can đảm để thực hiện niềm tin của mình.

Theo Kinh Thánh, tội nguyên tổ đã làm cho con người mất đi những đặc ân để sống sự thánh thiện. Con người trở nên yếu đuối, luôn bị lôi kéo làm điều dữ, dẫn tới sự ác lan tràn trong cuộc sống. Trong Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: Trước hết, “Anh em hãy đề phòng! Đừng trở thành cớ cho người ta vấp ngã!”. Nghĩa là chính chúng ta đừng trở thành những hình ảnh xấu, đừng là những nguyên nhân gây ra sự phạm tội. Để không thành cớ vấp ngã, thánh Phaolô dạy: Anh em đừng hành động theo tính xác thịt, vì, “những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19). Thứ đến, nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, nếu nó hối hận thì hãy tha cho nó. Tha thứ là đỉnh cao của tình yêu thương. Tha thứ là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Đức Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18). Và, tha thứ cũng là bài học cuối cùng Đức Giêsu để lại cho chúng ta khi Ngài hấp hối trên thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cuối cùng, tôi hối hận. Hối hận là tiếng nói của lương tâm. Nó là khởi đầu của hành trình sám hối để hướng dẫn con người về sự tốt lành. Chúng ta là phận người, mang trong mình những yếu đuối, bất toàn, nên chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của lương tâm và can đảm sám hối trước Thiên Chúa, cũng như đối với tha nhân vì những lầm lỗi của mình.

Quả thật, những lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu là một thách đố lớn cho việc sống đức tin của chúng ta. Đức tin không dừng lại nơi lời nói, nơi sách vở hay những suy tư học thuật, nhưng nó phải được đem vào cuộc sống. Thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Vì thế, Lời Chúa mời gọi chúng ta thực hiện những hành động cụ thể để bày tỏ đức tin của mình. Hành động đó đơn giản như việc chúng ta không nói hành nói xấu nhau, không ngạo mạn hiếu chiến, không cố chấp, không tìm cách trả thù. Nhưng nếu cần thì hãy khiển trách và góp ý với sự chân thành, yêu mến và luôn sẵn sàng tha thứ (Lc 17,3-4). Đó là những hành động của đức tin. Tuy nó là những hành động nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ có sức biến đổi cả thế giới này.

“Thưa Thầy, xin thêm niềm tin cho chúng con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban thêm niềm tin giúp chúng ta can đảm sống và làm chứng cho Chân Lý của Chúa giữa dòng đời đầy biến động hôm nay. Để giữa thế gian này, chúng ta trở nên những vì sao làm sáng tỏ Lời ban sự sống.

[/loichua]

Comments are closed.