Lời Chúa: Lc 14,12-14
Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.
Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.
Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
LÒNG BÁC ÁI CHÂN THÀNH
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).
Thành ngữ Việt Nam có câu “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại” để nói lên sự tương tác trong lối ứng xử đời thường “Đôi bên cùng có lợi”. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, điều này lại càng quan trọng khi những giá trị vật chất và lợi ích cá nhân thường được đặt lên hàng đầu thì giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin mừng Luca mà chúng ta vừa nghe như một tiếng gọi thức tỉnh. Chúa mời gọi chúng ta xem xét lại cách chúng ta thể hiện lòng hiếu khách và tình yêu thương. Không chỉ đơn thuần là việc cần mời ai đến dự một bữa tiệc, mà Chúa Giêsu muốn mở ra một chiều sâu tâm linh, kêu gọi chúng ta sống bác ái một cách chân thành và tự do.
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp nối Tin Mừng Thứ Bảy tuần trước, trong bối cảnh Chúa Giêsu được mời đến dự tiệc và thấy khách cứ chọn chỗ nhất mà ngồi. Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy cần phải sống khiêm nhường và biết đón nhận mọi người trong tình yêu. Chúa Giêsu không có ý dạy một kỹ năng sống, hay một cách thực hành xã hội mà muốn nói đến hành động bác ái phải phát xuất từ tình yêu vô vị lợi thì mới thật sự có ý nghĩa trước Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu khuyên người chủ tiệc không nên mời những người bạn bè hay bà con giàu có để được họ đáp lễ lại. Chúa Giêsu mời gọi ông ta hãy vượt ra khỏi những ràng buộc của tình thân, những giá trị xã hội thông thường, nơi mà những lợi ích cá nhân thường được đặt lên hàng đầu. Ngài kêu gọi ông hướng lòng đến những thành phần dễ bị lãng quên và bị gạt ra bên lề của xã hội: họ là những người nghèo đói, tàn tật, què quặt và đui mù… thì ông mới thật sự có phúc trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở tín hữu Rôma “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ” (Rm12,9) và với con người hôm nay vẫn còn ý nghĩa và rất thời sự khi có nhiều người làm bác ái để quảng cáo cho một số cá nhân hay tổ chức, tệ hơn là trục lợi từ việc làm bác ái. Có những gương xấu này là vì hành động bác ái không phát xuất từ tình yêu. Trái lại, Chúa Giêsu cho thấy Chúa luôn hành động trong tình yêu, dẫu họ tội lỗi, bị loại trừ, đau bệnh hay nghèo khó… Chúa luôn yêu thương, tận tình cứu giúp, gần gũi với những người yếu đuối nhất. Chúa Giêsu đã sống và là mẫu gương về lòng thương xót, luôn nhấn mạnh rằng tình yêu thương không phải là điều kiện hay tính toán, mà là một mời gọi từ trái tim. Phúc lành mà Chúa Giêsu hứa ban không chỉ đến từ những gì chúng ta nhận được ở đời này, mà còn từ sự công nhận trong ngày cuối cùng, khi Thiên Chúa xét xử. Những hành động yêu thương vô vị lợi của chúng ta sẽ không bị lãng quên, mà sẽ được ghi nhớ bởi Thiên Chúa. Đó chính là một trong những chân lý quan trọng trong đức tin Kitô giáo: chúng ta sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả vĩnh cửu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một trái tim đầy lòng thương xót và một tâm hồn sẵn sàng phục vụ. Xin mở rộng tầm nhìn của chúng con để chúng con nhận ra những nhu cầu xung quanh và can đảm đáp lại; giúp chúng con không chỉ nhìn thấy những người nghèo khó và yếu đuối, mà còn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nơi họ, để mỗi hành động yêu thương của chúng con không chỉ là sự cho đi, mà còn là một sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và với nhau. Amen.