[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 8,16-18″]
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE
“Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18)
Mạc Khải Thánh Kinh thiết yếu là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Thánh Phaolo cũng xác tín: “Đức tin phát sinh là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô” (Rm 10,17).
Tìm trở lại những trang sách Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc thấy, ngôn sứ Amos đã hô to: “Các ngươi hãy lắng nghe” (Am 3,1). Nhân danh kinh nghiệm và dựa vào sự hiểu biết của mình về Luật, nhà hiền triết lặp lại trong sách Châm Ngôn: “Hãy lắng tai nghe” (Cn 1,8). Để thấu triệt ý Chúa, những người Do thái đạo đức đọc lại mỗi ngày: “Hỡi Israel, hãy nghe đây” (Đnl 6,4). Và chính Giêsu cũng nhắc chúng ta “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18). Đó là những gì Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ sau khi Chúa kể dụ ngôn người gieo giống, gợi ý rằng lắng nghe thôi thì chưa đủ, còn phải làm cho tốt nữa. Thật vậy, chỉ những ai đón nhận Lời bằng một con tim tốt lành, chân thành và giữ Lời đó cách trung thành thì mới trổ sinh hoa trái sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8, 15). Chỉ khi quan tâm đến việc chúng ta lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta lắng nghe Chúa nói gì và chúng ta lắng nghe Chúa nói như thế nào, thì chúng ta mới có thể lớn lên trong Thần Khí và trên con đường theo Chúa.
Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng rất thường, ngay cả người có một thính giác hoàn hảo cũng không thành công lắng nghe người khác. Thực ra, có một tật điếc nội tâm, tệ hơn tật điếc thể lý. Quả thế, việc lắng nghe không chỉ liên quan đến thính giác, nhưng toàn thể con người. Trung tâm thực sự của việc lắng nghe là trái tim là tâm hồn. Ấy thế mà, Vua Salomon, dù còn rất trẻ, đã tỏ ra khôn ngoan vì ông đã xin Chúa ban cho ông “một trái tim biết lắng nghe” (1 V 3, 9). Và thánh Augustinô mời gọi chúng ta lắng nghe bằng trái tim, đón nhận những lời không phải bên ngoài tai chúng ta, nhưng cách thiêng liêng trong tâm hồn. Bởi một người môn đệ của Chúa cần tạo cho mình một đôi tai nơi trái tim chứ phải không là một trái tim nơi đôi tai.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết hạ mình xuống, để biết nghe, để biết chọn và để biết sống theo thánh ý Chúa. Bởi lắng nghe không chỉ là một nghệ thuật của tình yêu mà hơn hết còn là một lời mời gọi của Thiên Chúa ngỏ với con người “Hãy vâng nghe Lời” và “Hãy để ý đến cách thức anh em nghe”.
[/loichua]