Thứ Hai Tuần XXIII Mùa Thường Niên – Ngày 09/09/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6,6-11″]

Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

PHÂN ĐỊNH Ý CHÚA

“Đức Giê-su nói với họ: ‘Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?’ ” (Lc 6,9)

Giữa một xã hội với biết bao nhiêu lựa chọn, nhiều lúc con người không còn biết phân biệt được việc gì nên làm hay không nên làm. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giê-su giúp những người trong hội đường phân định việc cần làm để đẹp lòng Chúa. Ngài đặt câu hỏi chất vấn lương tâm tự nhiên của họ trước cái khổ, cái khó của người khác.

Người Do Thái xưa giữ luật ngày sa-bát rất nghiêm ngặt. Họ đã giữ luật đến nỗi trở thành nô lệ cho luật và xem nhẹ con người. Người khô bại tay trong hội đường đã mất đi khả năng làm việc, nhưng anh không xin Chúa chữa lành như người khác. Thế nhưng với lòng thương xót vô biên, Chúa Giê-su đã để ý đến vấn đề của anh. Chỉ có Chúa Giê-su mới nhận ra anh cần được giúp đỡ. Ngược lại, người Pha-ri-sêu không thèm bận tâm đến nỗi khổ của người khô bại tay, mà còn lợi dụng anh để kiếm cớ tố cáo Chúa Giê-su. Như thế, Chúa Giê-su đang bị dư luận tấn công tứ phía bằng những ánh nhìn ghen ghét, nhưng không vì thế mà lòng thương xót của Ngài bị chùn bước. Hành động chữa lành của Chúa Giêsu nhắm hai mục đích. Qua hành động ấy, Chúa Giêsu không chỉ thể hiện tình yêu đối với người bị khô bại tay, mà còn đặt vấn đề nhằm chấn chỉnh lương tâm những kẻ đang rình mò Ngài với ý đồ xấu. Câu hỏi “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” của Chúa Giê-su đã khiến người Pha-ri-sêu phải câm nín và tự chất vấn chính mình. Như vậy, tình thương của Thiên Chúa chiến thắng lòng ghen ghét thù hận.

Đối với con người ngày nay, ngay cả với người ki-tô hữu, câu hỏi của Chúa Giê-su dường như vẫn luôn vang vọng và chất vấn mỗi người. Đứng trước những đau khổ của người khác, đôi lúc chúng ta còn ngần ngại không dám đưa tay ra để nâng đỡ họ. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng sự đau khổ của người khác để trục lợi cho bản thân cách bất công. Thay vì nâng đỡ những người đau khổ, họ còn khiến cho người ta đau khổ hơn. Do đó, hành động chữa lành đong đầy tình thương của Chúa Giêsu là bài học gương mẫu cho mỗi người, nhất là đối với người ki-tô hữu.

2.Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết thể hiện Lời của Ngài bằng chính hành động cụ thể chứ không chỉ bằng giữ luật hình thức bên ngoài. Nhờ đó, mỗi người chúng con góp phần làm cho ý Chúa được cả sáng trên hành trình dương thế. Vì Chúa luôn muốn điều lành cho con người chứ không muốn điều dữ, xin cho chúng con cũng bắt chước Ngài, luôn muốn điều lành cho người khác để góp phần tạo nên sự bình an đích thực.

[/loichua]

Comments are closed.