[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 17,22-27″]
Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐAU KHỔ! PHẢI LÀM SAO?
“Họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy. Các môn đệ buồn phiền lắm.” (Mt 17,23)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo lần thứ hai của Chúa Giêsu về cuộc thương khó. Trong Tin Mừng Matthêu, hết thảy có ba lần Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó. Tuy nhiên, điều đáng cho chúng ta suy gẫm là thái độ của các môn đệ trước đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Cụ thể, ở lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã thẳng thừng cản ngăn Thầy: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Rồi lần thứ ba, khi Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó, thì dường như các môn đệ phớt lờ như chẳng muốn nghe, lại lảng sang chuyện chỗ bên tả, chỗ bên hữu trong nước của Thầy (x. Mt 20,20-23). Và lần này – lần thứ hai, thái độ của các môn đệ tỏ rõ cảm xúc tiêu cực “Các môn đệ buồn phiền lắm” (Mt 17,23).
Thái độ chối từ đau khổ nơi các môn đệ là chuyện dễ hiểu, vì trong phận người ai ai cũng muốn tránh khỏi khổ đau. Những đau khổ đó luôn mang đến cho con người nỗi sợ hãi, sự đau đớn về tinh thần và thể xác hay thậm chí cái chết. Vậy nên, con người ngày hôm nay tìm đến các tôn giáo hay các phương thế như thiền, yoga với mong muốn diệt dục thoát khổ. Tuy nhiên, sứ điệp Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại không phải là một phương cách thoát khổ, nhưng là lời mời gọi con người đón lấy thập giá đời mình như là con đường – là phương thế để đạt đến sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Bởi Chúa Giêsu đã không chỉ loan báo “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”, nhưng Ngài còn loan báo về sự Phục sinh sau cái chết – “và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 17,23). Quả thật như thế, kinh nghiệm của những người có đức tin minh chứng cho chúng ta rằng: “Chỉ người đã trải qua đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận hạnh phúc tột cùng” (Alxandre Dumas). Hay như chính kinh nghiệm tù ngục của Tôi Tớ Chúa – ĐHY Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết ra trong sách Đường Hy Vọng: “Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng như Đức Mẹ” (ĐHV 694).
Như thế, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta xác tín rằng, đau khổ là một phần của đời người. Con người có trốn chạy, có cố tình chối từ bằng những phương thế tâm lý thì đau khổ vẫn ở đó, và đôi khi cùng đích của nó là sự chết. Tuy nhiên, thập giá và đau khổ của đời người sẽ “nở hoa” với những ai có đức tin vào Con Thiên Chúa – “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36). Bởi vì chính Người đã bị giết chết và đã sống lại. Tin vào Người, chúng ta có một bảo đảm vững chắc cho hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, đường thập giá là đường của Chúa đã đi. Chúa cũng mời gọi chúng con – những ai muốn nên nghĩa thiết với Chúa “hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa”. Xin cho chúng con đức tin mạnh để đứng vững trước những đau khổ của đời mình. Ngõ hầu, chúng con sẽ đạt được hạnh phúc đời sau cho những ai bền đỗ đến cùng trong đức tin. Amen.
[/loichua]