Lời Chúa: Mt 9,18-26
Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!” Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG
“Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22).
Sau khi giảng trên núi, Chúa Giêsu xuống núi và làm phép lạ. Phép lạ không phải là màn trình diễn thần thông, cũng không phải để khoe khoang quyền năng, nhưng là dấu chỉ kết nối lời dạy với thực tế, trời với đất, và niềm tin với sự sống.
Đoạn Tin Mừng theo thánh Mt 9,18-26 khắc họa một bức tranh đầy tương phản: Người đàn bà ẩn mình trong đám đông, chạm vào tua áo Chúa trong im lặng; Người cha công khai quỳ gối, cầu xin với tiếng nói vang dội; hai người, hai hoàn cảnh, nhưng họ có cùng một niềm tin. Trước tiên, người phụ nữ mang sự khổ đau, sống với căn bệnh băng huyết đã mười hai năm, tin rằng chỉ cần chạm vào Chúa Giêsu thì sẽ được lành bệnh và đức tin của người phụ nữ này đã cứu bà. Thứ đến, người cha đang thất vọng khi đứa con gái chết trẻ, đã quỳ xuống trước Chúa Giêsu, tin tưởng rằng chỉ cần Người đặt tay trên đứa con là nó sẽ sống lại và đức tin của ông đã cứu được con gái ông. Dù hai người ở hai hoàn cảnh, hai địa vị và hai nỗi khổ khác nhau, nhưng họ lại có chung một niềm tin vào Chúa Giêsu. Đức tin của họ như là giác quan thiêng liêng, đó là một đôi tai nghe tiếng Chúa, một đôi mắt nhận ra Chúa, hơn là so với quả tim chai đá của những người luật sĩ và biệt phái. Hơn nữa, đức tin của họ là sự dấn thân đích thực giúp chính mình cũng như người thân được chữa lành và sống lại; điều này chắc chắn không phải là do công trạng của họ, không phải do sức riêng, mà là từ quyền năng của Chúa chỉ sinh hiệu quả nơi người có đức tin vào Chúa. Do đó, đòi hỏi của đức tin là việc đào sâu mối liên hệ với Chúa Giêsu, dám phó thác cho Người. Ở đây, sự phó thác của người phụ nữ và vị thủ lãnh không phải là cam lòng với sự bất lực, nhưng là thừa nhận sự giải thoát mà Người sẽ mang đến cho họ và đón nhận sự giải thoát này.
Nhìn vào gương đức tin của người phụ nữ và người cha, chúng ta tự vấn chính mình: trong hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta có dám tuyên xưng đức tin vào Chúa, có dám quỳ gối trước Thánh Thể để tín thác và xin chữa lành, có dám chạm vào Chúa Giêsu khi rước lễ để xin Chúa ban sức mạnh, hay chúng ta sợ mất thời gian và thú vui riêng? Trong những lúc đau khổ và bi đát nhất, chúng ta tìm kiếm sự an ủi và chữa lành từ Chúa hay từ một ai khác?
Lạy Chúa Giêsu, những lúc hoài nghi len lỏi vào tâm hồn, xin nhắc nhở chúng con về đức tin của người phụ nữ băng huyết; những khi tuyệt vọng bao trùm cuộc sống, xin ban cho chúng con lòng phó thác và sự can đảm của người cha; những khi chúng con cảm thấy xa cách Chúa, xin mở lòng chúng con để chạm đến Chúa như người phụ nữ chạm vào tua áo Chúa. Amen.