Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng – Ngày 18/12/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 1, 18-24″]

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THÁNH GIUSE – NGƯỜI ĐƯỢC THAM DỰ VÀO MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1, 23)

Kính thưa cộng đoàn, trong những ngày cuối cùng của mùa Vọng, phụng vụ Giáo Hội muốn nêu bật lên căn tính thần linh của Chúa Giêsu qua trình thuật thời Thơ ấu trong Tin Mừng Mattheu và Luca. Bên cạnh đó, vì viết Tin Mừng cho những Kitô hữu gốc Do Thái, thánh sử Mattheu đã nỗ lực đặt di sản Do Thái vào trong cộng đồng tôn giáo của mình và khắc họa Chúa Giêsu là người Do Thái, là con cháu vua David và là Đấng Messia ứng nghiệm lời loan báo của các tiên tri. Chính trong bối cảnh này, thánh sử Mattheu muốn nói lên tầm quan trọng của thánh Giuse trong trình thuật về thời Thơ ấu của Chúa Giêsu. Thánh Giuse, một người mà với sự công chính của mình đã đưa cuộc đời ngài đi đến một bước ngoặt, khi ngài được Thiên Chúa tuyển chọn để mở ra kế hoạch cứu độ – Mầu nhiệm: Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Trong bài Tin Mừng vừa nghe, thánh sử Mattheu mô tả thánh Giuse là một người “công chính” (Mt 1,19). Sự công chính của thánh Giuse ắt hẳn vượt xa hơn nghĩa là chu toàn lề luật, vì theo lề luật lúc bấy giờ, thánh Giuse đã phải tố cáo bà Maria phạm tội ngoại tình, và bà phải bị ném đá (x. Đnl 22, 23-27); nhưng khi “định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19) để bà không phải chịu sự sỉ nhục trước công chúng, thánh Giuse cho thấy ngài không chỉ chu đoàn luật Chúa về mặt ngôn từ nhưng còn hiểu được tinh thần của lề luật và áp dụng cách triệt để nhất có thể đó là mến Chúa yêu người (Mt 22, 36-40). Nếu dừng lại ở đây, thì sự công chính của thánh Giuse chưa thể mở ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cần phải có một điều gì đó đáng kinh ngạc, một điều gì đó vượt xa những khuôn mẫu hành động theo lề luật truyền thống, một điều gì đó chỉ có thể đến từ một nơi sâu thẳm – một thế giới của những giấc mơ. Trong Kinh Thánh, giấc mơ thường được mô tả như dụng cụ mặc khải của Chúa. Qua những giấc mơ, Chúa hướng dẫn một người vào một thời điểm quan trọng việc phải làm (St 28,11-19; Gr 23,25-28). Do đó, chính trong giấc mơ, cách xa thế giới ban ngày của lề luật, có một lời giải thích khác về những gì đang xảy ra. Sứ thần hiện ra và nói: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng sợ đón bà Maria vợ ông về vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20). Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời thánh Giuse; tiếng của Thiên Chúa can thiệp vào sự phân định của thánh Giuse. Trong một giấc mơ, Thiên Chúa tiết lộ một ý nghĩa quan trọng hơn sự công chính của thánh nhân. Chính khoảnh khắc này, Thánh Giuse đã được yêu cầu thực hiện một bước nhảy của đức tin, thực hiện một hành động vượt xa cách ông thường hiểu về lề luật. Rabbi Abraham Heschel đã từng viết, “Người Do Thái được yêu cầu thực hiện một bước nhảy trong hành động hơn là một bước nhảy trong suy nghĩ. Anh ta được yêu cầu vượt qua những việc làm của mình, làm nhiều hơn những gì anh ta hiểu để hiểu nhiều hơn những gì anh ta làm.”

Dường như mỗi người chúng ta đều có phần nào đó giống Thánh Giuse: chúng ta thường giới hạn bản thân theo những cách làm quen thuộc hay chỉ làm theo những gì mà lề luật đặt ra; chúng ta lặng lẽ bỏ qua tiếng nói từ một nơi sâu thẳm trong tâm hồn mời gọi chúng ta hành động xa hơn những gì lề luật đặt ra. Nhưng việc vượt ra khỏi những cách làm quen thuộc đó sẽ có ý nghĩa gì? Những điều mà chúng ta ước mình có thể lặng lẽ gạt bỏ, lại có thể là những điều chúng ta sẽ được yêu cầu chấp nhận làm của riêng mình? “Đừng sợ”. Thiên thần đang nói với chúng ta đừng sợ mở rộng tâm hồn, đừng sợ vượt lên trên những câu chữ của lề luật để mở rộng con tim đón nhận một Mầu Nhiệm vĩ đại sắp đến trong cuộc đời chúng ta: Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Lạy Chúa, trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, xin cho chúng con nghe được tiếng nói từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn, một tiếng nói xua tan mọi nỗi sợ hãi và khuyến khích chúng con thực hiện một bước nhảy của đức tin để có thể chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa ngự vào lòng chúng con.

[/loichua]

Comments are closed.