Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 05-04-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 28,8-15″]

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giê-su đón gặp các bà, Người nói : “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giê-su bảo : “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Ga-li-lê-a, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng : “Các anh hãy nói rằng “Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông”. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KINH NGHIỆM VỀ SỰ PHỤC SINH

“Các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa” (Mt 28,8)

Con người không có kinh nghiệm về sự phục sinh. Thật vậy, các trình thuật Tin Mừng đã làm sáng tỏ điều ấy. Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người, các môn đệ đã không hiểu. Chính vì thế, cái chết và việc mai táng của Chúa Giêsu đã làm cho họ thất vọng. Để làm cho họ tin, phải cần đến kinh nghiệm ngày phục sinh.

Hôm nay, trình thuật Tin Mừng đã mang đến cho chúng ta kinh nghiệm về sự phục sinh nơi các môn đệ đầu tiên. Đó chính là sự kiện ngôi mộ trống và việc hiện ra của Chúa Giêsu. Sự kiện ngôi mộ trống không đủ thuyết phục lòng tin của các môn đệ, vì sự kiện này có thể được giải thích bằng việc đánh cắp xác. Nhưng có một kinh nghiệm không thể chối bỏ, đó chính là việc các môn đệ được thấy Chúa Giêsu, được chạm đến thân thể Người. Kinh nghiệm phục sinh chỉ được tỏ ra cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Dân chúng dự lễ tại thành Giêrusalem được chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, nhưng kinh nghiệm phục sinh chỉ dành riêng cho các môn đệ mà Chúa Giêsu đã chọn. Ngay cả những lính gác mộ đã chứng kiến cuộc thần hiển kỳ diệu cũng không nhận được kinh nghiệm phục sinh.

Ngày nay, chúng ta không được tận mắt chứng kiến và đụng chạm vào Chúa Phục Sinh, nhưng trong đức tin tông truyền, chúng ta được lãnh nhận cùng một kinh nghiệm phục sinh như các tông đồ. Trong nhiều cách thức lãnh nhận kinh nghiệm phục sinh, trình thuật Tin Mừng Mátthêu tỏ lộ cho chúng ta một phương thế, đó là lắng nghe Lời Chúa. Những người phụ nữ đã nghe lời Chúa Giêsu gọi, được chạm vào Chúa Giêsu và nhờ đó họ sẵn sàng ra đi loan báo tin vui phục sinh. Cũng thế, những ai chú tâm lắng nghe Lời Chúa cũng sẽ được chạm đến Chúa và có được động lực ra đi loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, phương thế này ứng nghiệm khác nhau đối với từng độc giả trên cùng một đoạn Tin Mừng. Một cộng đoàn cùng tham dự cử hành phụng vụ Lời Chúa, cùng lắng nghe bài giảng của vị giảng thuyết, nhưng tác động của Lời Chúa trên từng người là khác biệt. Đối với người thành tâm thiện chí, Lời Chúa đụng chạm đến những tâm tư sâu thẳm trong lòng người, đưa họ gặp gỡ Chúa Giêsu và thêm sức giúp họ cải thiện đời sống. Đối với người nghe qua rồi bỏ, Lời Chúa chỉ dừng lại như một áng thơ văn, một cảm xúc bất chợt, và rốt cuộc họ nghe được tiếng mà không tìm thấy được Lời.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm phục sinh qua việc lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày. Xin Chúa giúp chúng ta đừng nghe qua rồi bỏ, nhưng biết suy niệm Lời Chúa mọi phút giây trong đời sống và biết đem Lời Chúa ra thực hành.

[/loichua]

Comments are closed.