Thứ Bảy V Phục Sinh – Năm C – Ngày 24/05/2025

Lời Chúa: Ga 15,18-21

Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

 

NGƯỜI MÔN ĐỆ MANG DANH CHÚA

“Vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,21)

Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tự mặc khải qua danh xưng mà Ngài ban cho dân riêng. Trong Cựu Ước, danh Chúa không chỉ là một tên gọi mà còn biểu thị sự hiện diện, quyền năng và giao ước với dân Israel. Khi Môsê hỏi về danh Đấng đã sai ông, Thiên Chúa đáp: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), một danh xưng mang tính cách mặc khải vượt quá sự hiểu biết con người. Danh Chúa trở thành dấu ấn thiêng liêng, nhưng cũng đòi hỏi dân Chúa sống trung thành với lề luật: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa một cách bất xứng” (Xh 20,7). Mang danh Chúa nghĩa là thuộc về Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài, và chấp nhận thử thách vì đức tin.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu Kitô là sự viên mãn của mặc khải về danh Thiên Chúa. Khi tuyên bố: “Trước khi có Abraham, thì Ta Hằng Hữu” (Ga 8,58), Người khẳng định thần tính của mình. Danh Đức Giêsu mang lại ơn cứu độ, để ai tin vào Người và chịu phép rửa “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19) sẽ được bước vào sự sống mới. Tuy nhiên, mang danh Chúa cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận thập giá. Chính Đức Giêsu đã báo trước trong Tin Mừng hôm nay: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em…vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,20-21). Điều này gợi nhớ đến truyền thống Cựu Ước, nơi những người công chính luôn bị bách hại vì danh Chúa. Giêrêmia đã chịu bách hại vì trung thành với sứ mạng: “Vì danh Đức Chúa, tôi đã nên trò cười cho thiên hạ” (Gr 20,8). Isaia cũng phản ánh nỗi đau của Giêrêmia khi chịu sỉ nhục vì sứ mạng ngôn sứ: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ… (Is 50,6). Tuy nhiên, sự bách hại không phải là dấu chỉ của thất bại, mà lại là bằng chứng cho thấy người môn đệ thực sự thuộc về Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh “người môn đệ đích thực phải làm mọi sự nhân danh Chúa” (Cl 3,17), nghĩa là không chỉ tuyên xưng danh Chúa trên môi miệng, mà còn sống một đời sống phản chiếu sự thánh thiện, lòng thương xót và sự khiêm hạ của Ngài. Như ngôn sứ Giôen đã tiên báo: “Ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu” (Ge 3,5), người môn đệ đích thực là người biết đặt trọn niềm tin vào danh Chúa, để rồi chính danh ấy trở thành nguồn sức mạnh và bảo trợ cho cuộc đời của họ.

Như vậy, mang danh Chúa không chỉ là một danh hiệu nhưng còn là một ơn gọi và sứ mạng. Ngày nay, người môn đệ không nhất thiết chịu bách hại về thể lý, nhưng vẫn phải chiến đấu trong âm thầm giữa thế giới đầy tinh vi và phát triển không ngừng nghỉ. Mang danh Chúa là dám sống như Chúa đã sống: giữ lấy lòng thật thà giữa guồng quay dối trá, chọn thứ tha thay vì hận thù, và chọn phục vụ thay vì muốn thống trị người khác. Danh Chúa, như ngọn đèn soi giữa đêm tối, giúp người môn đệ không lạc lối giữa biển đời đầy chao đảo, để qua đó, lời Chúa phán được thực thiện qua miệng ngôn sứ Malakhi “Danh Ta sẽ nên cao cả giữa muôn dân” (Ml 1,11). “Người môn đệ mang danh Chúa” là người không chỉ tuyên xưng danh Ngài, mà còn sống trọn vẹn cho tình yêu và chân lý của Ngài, bất chấp mọi thử thách và bách hại từ thế gian.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống đúng với danh xưng là người môn đệ của Chúa: như ngọn đèn giữa đêm tối, như tiếng nói của chân lý giữa những âm thanh lạc hướng. Ước gì danh Chúa luôn là định hướng, là sức mạnh, là niềm tự hào và là mục tiêu sống của chúng con. Amen.

 

Comments are closed.