Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên – Ngày 4/11/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11″]

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KHIÊM NHƯỜNG

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Lc 14,11)

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Khi thấy người ta đi dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã dạy họ phải tìm chỗ cuối hết. Ngài không dạy cho chúng ta một mánh lới, một tiểu xảo để được vinh dự khi chủ nhà mời ta lên cỗ nhất. Trái lại, Ngài muốn nhân cơ hội đó dạy ta về đức khiêm nhường đích thật. Nói rõ hơn, hạ mình xuống là khiêm nhường, mà khiêm nhường thực sự là biết mình, biết sự thật về ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình. Ngài nói với họ: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Đức Giêsu muốn nói lên giá trị đích thực của con người trước mặt Thiên Chúa. Càng nhận ra thân phận thụ tạo bất toàn và giới hạn của mình trước mặt Thiên Chúa, con người càng nên cao trọng, càng dốc cạn những hào nhoáng bên ngoài và những vướng bận trong tâm hồn, con người càng được tự do. Là người môn đệ của Chúa chúng ta cần phải học đến tận cùng mẫu gương khiêm nhượng thẳm sâu nơi Thầy mình. Thánh Phaolô trong thư Philipphê nói: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8)

Khiêm nhường trước hết hệ tại thái độ xác định vị trí khách quan của mình: tội lỗi trước Đấng Toàn Năng và Chí Thánh. Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều lãnh nhận nơi Chúa, rằng mình là đầy tớ vô dụng, tự mình không là gì khác hơn là tội nhân. Nhưng người khiêm nhường lại không thất vọng, ngã lòng, nhưng sẽ mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận năng lực của ân sủng. Khi ngắm nhìn Mẹ Maria, ta thấy Mẹ đáng yêu đáng kính đặc biệt vì Mẹ đã sống khiêm nhường. Lời XIN VÂNG biểu lộ sâu xa nhất tâm hồn khiêm nhường bao giờ cũng mang đặc tính nhìn nhận Thiên Chúa quyền phép. Để rồi ý thức mình chỉ là dụng cụ đơn hèn sẵn sàng tuân phục. Đức Mẹ tuân phục Chúa nên Người đã đưa Mẹ vào chương trình cứu độ. Thiên Chúa vốn trọng những ai khiêm nhường thật sự. Mỗi người chúng ta cũng hãy dâng con người yếu đuối thấp hèn lên Chúa để quyền năng của Người biến đổi.

“Khiêm tốn là nét duyên của người Kitô hữu trước mặt Chúa. Thiên Chúa thương yêu và nâng dậy những ai khiêm cung nhỏ bé. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học cùng Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Amen.

[/loichua]

Comments are closed.