Lời Chúa: Lc 13,1-9
Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”“
LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3b)
Trong tâm thức của người Á Đông cũng như người Do Thái thời Chúa Giêsu, sự thành công, giàu có đồng nghĩa với việc người ấy sống tốt nên được ban phúc. Ngược lại, sống tội lỗi, xấu xa sẽ bị trừng phạt, có khi là bệnh tật, những tai nạn, những khó khăn trong cuộc sống. Biết được suy nghĩ của họ như vậy, nên trong bài Tin Mừng, Chúa đã mời gọi những người đến kể chuyện thời sự những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, Chúa đã mời gọi họ ăn năn sám hối: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3b)
Đức Giêsu mời gọi sám hối tức là thay đổi suy nghĩ, thay đổi quan niệm về tương quan giữa đau khổ và tội lỗi, những người gặp phải tai họa trên không phải là họ bị phạt. Người trả lời điều đó là không đúng, không có tương quan trực tiếp giữa đau khổ và tội lỗi, những thảm họa, bất hạnh, đau khổ không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa nhưng đó là dấu chỉ để họ cần sám hối. Sám hối ở đây tin vào Người là dấu chỉ vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho con người, nhờ Người và trong Người, những ai tin thì sẽ được cứu độ: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15b). Hơn thế nữa, nơi dụ ngôn “cây vả không ra trái”, Đức Giêsu mạc khải cho họ thấy Thiên Chúa là Đấng nhân từ, kiên trì và luôn rộng lượng tha thứ: “Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó trở lại và được sống” (Ed 18,24; 33,11).
Thật vậy, sám hối là lời mời gọi từ chính Thiên Chúa; là hành trình quay trở về với Thiên Chúa; là nhìn lại lối suy nghĩ, lối sống của mình để thay đổi để cuộc sống của mình trở nên mỗi ngày một tốt hơn. Sám hối là từ bỏ con đường cũ, con đường tội lỗi để sống con người mới, con người sống theo Lời Chúa. Con người mới theo nhãn quan của Thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô là: con người sống bác ái, yêu thương, sống theo sự thật và hiệp nhất trong Đức tin (x. Ep 4,15). Việc thực hành sám hối được qua đời sống khiêm nhường, đời sống bác ái và đời sống hy sinh, từ bỏ con người cũ với những đam mê của tính xác thịt để sống con người mới trong Đức Kitô. Việc thực hành sám hối được trọn vẹn cần đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Bí tích Giải Tội. Như vậy, sám hối chỉ đạt hiệu quả khi chúng ta biến đổi nội tâm và nỗ lực cộng tác với ân sủng Thiên Chúa ban.
Trong mỗi ngày sống, với ân sủng Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn lại con người của mình, nhờ đó, nhận ra được ngày hôm nay tôi đã cố gắng sống theo Lời Chúa, sống theo ý Chúa hay chưa? Tôi gây tổn thương cho những người xung quanh trong lời nói, trong cách cư xử? Như vậy, chúng ta sẽ đưa ra những cố gắng, những quyết tâm để mỗi ngày sống tốt hơn. Qua Lời Chúa và qua các Giáo huấn của Hội Thánh, Thiên Chúa vẫn luôn kêu mời mỗi người sám hối và quay trở về với Ngài. Ngài vẫn luôn chờ đợi và giang rộng vòng tay để ôm lấy những ai trở về. Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban ân sủng qua các Bí tích để mỗi người đón nhận và nâng đỡ trên hành trình trở về với Chúa.
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để yêu thương và trao ban Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và biết không ngừng quay về với Ngài để được sống trong tình yêu mà Thiên Chúa đã hứa. Xin cho chúng con cũng biết đem tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người xung quanh chúng con, nhờ đó cuộc sống của chúng con tràn đầy niềm vui, bình an và hy vọng trong Chúa”.