Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên – Ngày 14/09/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 3,13-17″]

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHIA SẺ ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

“…nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17)

Ơn cứu độ là một tặng phẩm được Thiên Chúa trao ban qua con của Người là Đức Giêsu Kitô. Vì thế, Kitô hữu được mời gọi trở nên sứ giả của sự hòa giải, ra đi chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người. Nói cách khác, mỗi người sẽ trở nên lời cứu độ cho tha nhân. Tuy nhiên, sứ mạng rao giảng có vẻ rất khó khăn. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Làm thế nào chúng ta truyền tải thông điệp cứu độ cho con người thời nay, vốn thờ ơ và lạnh nhạt với các vấn đề tâm linh?

Trên hết, chúng ta phải có một mối tương quan gắn bó mật thiết đến nỗi không thể tách rời với Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất. Không thể phủ nhận giá trị của các chân lý và giáo thuyết, nhưng lời chứng của cá nhân, tác động biến đổi của Thiên Chúa trong chính cuộc sống của chúng ta lại mang tính thuyết phục cao hơn những điều khác. Bằng cách sống một cuộc đời phản ánh tình yêu và ân sủng của Chúa, chúng ta trở thành những bức thư sống, mời gọi người khác trải nghiệm sự đổi mới tâm linh theo cách tương tự. Chính qua hành động, nhân cách và lối sống vị tha của mình, chúng ta từng bước thu hút mọi người đến với Chúa Kitô – Đấng Cứu Độ nhờ cây thập giá.

Thánh Phaolô đã quả quyết: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 1,23). Lời cứu độ chúng ta mang trong mình không phải thông điệp của sự thoải mái, êm nhẹ nhưng là sức nặng của thập giá. Một sức nặng con người không thể kham được, nhưng lại là gánh “êm ái, nhẹ nhàng” nếu có sức trợ lực của Thiên Chúa. Do đó, trước khi bước chân ra vùng ngoại biên, chúng ta phải can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Và đó là sức nặng của thập giá, mang những dạng hình khác nhau: cực nhọc, hy sinh, chống đối, phê phán, dửng dưng… Điều đó, Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta đã trải qua tận cùng, và chúng ta – người rao truyền sứ điệp đó, cũng không trở nên điều ngoại lệ. Chẳng cần gì quyết tâm cao siêu, nhưng vác thập giá từ chính cuộc sống hàng ngày, với những trắc trở, trái ý chẳng ai mong; bỏ giờ lắng nghe câu chuyện của một ai đó một cách tận tình, quảng đại chia sẻ mặc dù bản thân chẳng có bao nhiêu. Như thế, sự khôn ngoan của thập giá biến đổi vùng an toàn của chúng ta trở nên vùng an toàn của người khác, khi chúng ta biết dành thời giờ cho người khác với những vấn đề của họ. Lời cứu độ của Thiên Chúa sẽ nảy sinh từ những cuộc gặp gỡ ấy.

Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận được hồng ân cứu độ. Qua một đời sống gắn kết với Đức Kitô, mở rộng con tim với người khác, chúng ta sẽ trở nên lời cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dành thời gian chiêm ngắm mầu nhiệm Thập Giá; một sự điên rồ với người Hy Lạp, một sự sỉ nhục với người Do Thái, nhưng lại là sự ngọt ngào và khôn ngoan của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dùng những giây phút lắng đọng bên Chúa nơi mái trường Chủng viện này, để học biết vác thánh giá như Chúa, và từ đó biết chia sẻ lời cứu độ cho mọi người. Amen.”

[/loichua]

Comments are closed.