Lời Chúa: Mt 13, 24 -30
Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “ Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “ Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ? ” Ông đáp: “ Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
TỈNH THỨC VÀ CẢNH GIÁC TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
“Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (Mt 13, 25 – 26).
Với một cái nhìn chân thực, chúng ta dễ dàng nhận ra, có những khuynh hướng đối nghịch nhau đồng tồn tại trong ta, và đời sống nội tâm là “mảnh đất” cho cuộc chiến dường như không có hồi kết giữa những khuynh hướng đó. Kinh nghiệm này được thánh Phaolô chứng thực khi Ngài viết: “ Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm…Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm… Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.” ( Rm 7, 15 – 21). Kinh nghiệm hiện sinh của thánh Phaolô manh nha cho chúng ta một thực tế: có những sự xấu đang âm thầm gây xáo trộn đời sống nội tâm của chúng ta. Vậy nguồn gốc của chúng từ đâu ?
Một cách giản đơn, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức sự xấu xâm nhập, len lỏi trong cuộc đời của chúng ta: “ Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện” ( Mt 13, 24b – 26). Theo những “bước chân” của người gieo hạt giống tốt, kẻ xấu đã đến để gieo cỏ lùng vào thửa ruộng. Tuy nhiên, có một sự phân biệt rõ ràng giữa hạt giống tốt và cỏ lùng khi được gieo xuống ruộng. Hai người gieo hạt giống không ngang bằng nhau: người gieo hạt giống tốt thì đi ban ngày, công khai; kẻ gieo cỏ lùng thì đi “ban đêm”, lén lút lợi dụng lúc mọi người không để ý. Cỏ lùng ở đây có thể là những cám dỗ thầm kín, những suy nghĩ tiêu cực, những hành động nhỏ nhặt không phù hợp với đời sống đức tin, sự thờ ơ, trì hoãn, nguội lạnh trong đời sống tâm linh, hay những thỏa hiệp với tính xác thịt, sự dung dưỡng những thói mê, tật xấu dẫn đến sự chai lỳ lương tâm…
“Góp gió thành bão”, những “cỏ lùng” này với thời gian có thể làm suy yếu đức tin, khiến người ta xa rời Thiên Chúa và đánh mất những giá trị sống tốt đẹp. Chẳng vậy, Chúa Giêsu đã cảnh báo về sự nguy hiểm của những loài cỏ dại khi Ngài nói: “Có những hạt giống rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt ” (Mt 13, 7). Cho nên, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta, trong đời sống đức tin hãy tỉnh thức và cảnh giác, vì kẻ thù của chúng ta rất tinh vi, chúng thường phát triển một cách lặng lẽ, thường không dễ nhận ra ngay từ đầu. Ánh sáng của bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta sống tỉnh thức và cảnh giác trước những mối nguy luôn tiềm ẩn trong đời sống đức tin, cũng đề phòng ta khỏi bị ảo tưởng sẽ đạt được những trạng thái dứt khoát hoàn toàn với “cỏ lùng” ở đời này. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có một cái nhìn tiêu cực về thực tế của thế giới, của đời sống nội tâm bản thân. Bởi, trong niềm tin và sự cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn, yêu thương – Ngài sẽ tách cỏ lùng ra khỏi thế giới, khỏi chính chúng ta một cách triệt để trong mùa gặt ngày sau hết.
Mẫu gương của thánh Gioankim và Anna mà Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hôm nay, là một bài học sâu sắc về sự kiên vững trong đức tin và tỉnh thức trước những mưu mô cám dỗ. Gioankim và Anna đã phải chờ đợi rất lâu mới có một đứa con, trong sự chờ đợi đó, có biết bao nhiêu hạt giống của “cỏ lùng” dấy lên tạo thành những cám dỗ, thử thách trong đời sống đức tin. Tuy nhiên, trong những gian nan khốn khó, các ngài vẫn kiên vững, phó thác và cậy trông vào tình thương của Thiên Chúa. Cuối cùng, sự cậy trông bền bỉ đó đã được Thiên Chúa thưởng trọn khi ban cho các ngài một “trái ngọt”, đó là Mẹ Maria – Mẹ của mỗi người chúng ta.
Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Gioankim và Anna, xin Chúa ban cho chúng ta được sức mạnh và sự tỉnh thức để nhận ra và can đảm hãm dẹp những thứ “cỏ lùng” trong đời sống đức tin của chúng ta; ngõ hầu, trong ngày sau hết, chúng ta đứng trong hàng ngũ “cây lúa được thu vào kho lẫm”. Amen!