Thứ Bảy Tuần XV Mùa Thường Niên – Ngày 20/07/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,14-21″]

Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊSU – NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA

“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn” (Mt 12,18).

Sức ảnh hưởng của Chúa Giêsu ngày càng lan rộng bởi lời nói và việc làm của Người. Điều này tạo ra một sự lo lắng cho giới lãnh đạo Do Thái nhưng họ lại không nhận biết căn tính của Đức Kitô. Chính vì thế, Thánh sử Mát-thêu mượn lời ngôn sứ Isaia để giới thiệu cho mọi người biết: Đức Giêsu là Người Tôi Trung của Thiên Chúa (x. Mt 12,14-21).

Ngôn sứ Isaia tuyên sấm về Người tôi tớ của Thiên Chúa, Người tôi tớ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên Người, để Người đem Tin mừng cứu độ đến cho toàn dân. Với các đặc tính: hiền lành, khiêm nhường và giàu lòng xót thương. Đây chính là hình ảnh tiên báo về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Thật vậy, trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsu luôn thực hiện sứ mạng của Người theo Thánh Ý Chúa Cha. Người là Đấng được xức dầu, tấn phong để đem Tin Mừng đến cho muôn dân (x. Lc 4,17-18). Người chữa lành bệnh tật (x. Mc 1,40-45), xua đuổi ma quỷ (x. Lc 1,23-28), tha thứ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại (x. Lc 7,11-17). Các dấu lạ không chỉ chứng tỏ Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến mà còn tỏ bày tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vai trò Messia của Đức Giêsu không như quan niệm của người Do Thái nhưng là một người đầy khiêm tốn và hiền hậu. Người quan tâm, nâng đỡ, yêu thương và bênh vực hết mọi người, nhất là những người bị gạt ra lề xã hội. Đức Giêsu không loại trừ ai, nhưng sẵn sàng dang tay đón nhận hết mọi người. Người “không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Mt 12,20), nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Người là niềm hy vọng cho toàn nhân loại. Đặc biệt, với cuộc thương khó và chết trên thập giá, Đức Giêsu đã diễn tả trọn vẹn sứ mạng của Người Tôi Trung là “chịu đau khổ và chết” để đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

Trong một thế giới tôn sùng những thành công, những chiến tích oai hùng thì niềm tin, niềm hy vọng vào Đức Giêsu – Người Tôi Trung chịu đau khổ đang bị lung lay. Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm trong hành trình rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh và chết trên thập giá thì bị người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ (x. 1Cr 1,23). Dù vậy, sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu vẫn luôn vang lên trong lòng thế giới để cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài khi trao ban Con Một Yêu Dấu, Người Tôi Trung cho con người. Đó còn là lời mời gọi với những ai tin tưởng và xác tín vào Ngài. Cho dù khó khăn, thách đố thì những người sống tín thác vào Chúa vẫn luôn có niềm bình an, niềm hy vọng trong chính Đức Giêsu – Người Tôi Trung của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa Giêsu, là Thiên Chúa nhưng đã làm người, trở nên Người Tôi Trung đau khổ để yêu thương và cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Ngõ hầu, chúng con biết đem tình yêu Chúa đến cho những người chúng con gặp gỡ, để cuộc sống của chúng con trở nên sự hiện hữu cho và vì tha nhân.”

[/loichua]

Comments are closed.