Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên – Ngày 19/02/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 9, 2-13″]

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô , Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì”. Các ông hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Đúng thế, ông Êlia đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

Ở LẠI VỚI THẦY

“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”

Kính thưa cộng đoàn,

Biến cố Chúa Giêsu biến hình hôm nay đã thay đổi cách nhìn của các môn đệ về Thầy của mình, và làm dậy lên trong lòng các ông một khao khát được ở lại với Chúa. Các môn đệ muốn được ở lại với Chúa Giêsu, bởi các ông nhận ra đằng sau con người Giêsu là một Thiên Chúa vĩ đại. Nhờ sự nhận ra này, các Tông đồ đi đến một niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa. Từ đó, khi xuống núi, các ngài sống trọn vẹn đức tin mình đã lãnh hội. Niềm tin của các Tông đồ vào biến cố hiển dung gợi lên hai điều suy gẫm:

Thứ nhất: Một biến cố của đức tin và niềm hy vọng

Biến cố Chúa Giêsu hiển dung không chỉ mạc khải trọn vẹn Thần tính của Chúa, mà còn cho các môn đệ hưởng nếm trước vinh quang Nước Thiên Chúa. Qua biến cố này, niềm tin vào Chúa của các môn đệ được nâng đỡ và tăng trưởng. Nhờ đó, các ông đủ kiên trung khi đối mặt với những nguy khó. Trên núi Tabo hôm nay, các môn đệ chiêm ngưỡng ánh quang huy của Chúa. Nhưng sẽ có lúc trên một ngọn đồi khác, bầu trời tối sầm, khuôn mặt của Thầy không còn chói sáng nữa mà lấm lem máu me bởi vết roi đòn. Sẽ có lúc không còn tiếng thân thương từ trời nữa, nhưng chỉ còn tiếng chế giễu và nhạo cười. Sẽ có lúc các môn đệ bị tản mác và chao đảo trong đức tin. Khi ấy, biến cố biến hình sẽ là liều thuốc bổ khơi lên trong lòng các môn đệ niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là: qua đau khổ sẽ dẫn đến vinh quang, qua cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến sự Phục Sinh hân hoan. Chính niềm hy vọng này sẽ giúp các môn đệ không những dám chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy, mà còn sẵn sàng đón nhận thập giá như là vinh quang của đời mình.

Thứ hai: Phải xuống núi

Phêrô muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một sự an toàn, tránh xa mọi hiểm nguy để chỉ còn hưởng nếm vinh quang. Thế nhưng, qua cuộc biến hình, Chúa không muốn các ông trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố đức tin của các ông trước những biến cố các ông sẽ phải đối mặt. Sau những phút giây đầy ánh sáng, các môn đệ theo Chúa xuống núi, để tiếp tục cuộc sống thường nhật. Cuộc biến hình tràn ngập ánh sáng huy hoàng là nguồn sức mạnh để các môn đệ đối diện với thực tại của người môn đệ, sẵn sàng chịu hiểm nguy và bắt bớ. Chính sự hiểm nguy và bắt bớ này mới là con đường dẫn đến vinh quang Thiên Quốc.

Cũng như các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, chúng ta nhiều khi muốn được ở trong vinh quang, mà lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời. Chúng ta muốn hạnh phúc, nhưng lại muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hiển dung tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta vào một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng. Nhưng để được như thế, Người mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi để loan truyền niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

Xin Chúa cho chúng ta biết nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, như thế chúng ta dám dấn thân sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Nhờ đó, chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.

[/loichua]

Comments are closed.