Thứ Bảy Tuần VI Mùa Phục Sinh – Ngày 11/05/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 16, 23b-28″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con.

Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con.

Đã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra.

Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THÂN TÌNH VỚI ĐỨC KITÔ

“Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra.” (Ga 16, 27)

Ở đời, để hiểu nhau hơn, để sự thân tình có thể được gắn chặt hơn, con người ta cần phải chia sẻ các hiểu biết, các tâm tư tình cảm đang chất chứa trong lòng, càng nhiều hiểu biết, càng nhiều tâm tư được chia sẻ và đón nhận, mối thân tình trong các mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn. Thế nhưng, để được người tri kỉ có thể hiểu và đủ tin tưởng để cởi mở, san sẻ mọi nỗi niềm thật không phải dễ dàng, để được như vậy, phải có một quá trình đủ dài, để người với người có thể hiểu nhau hơn.

Chúa Giê-su với các môn đệ cũng vậy, mối thân tình giữa thầy và trò ngày càng được thắt chặt hơn trong từng lời dạy và từng ngày sống với nhau, trong suốt ba năm rao giảng công khai, rất nhiều lần Chúa Giê-su dùng dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng, chỉ khi ở riêng với các môn đệ, Chúa Giê-su mới giải thích cho các ông các điều Ngài đã nói. Thế nhưng trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan cho thấy Chúa Giê-su không dùng dụ ngôn để nói với các môn đệ nữa, thay vào đó là những lời mạc khải trực tiếp với một mức độ thân tình hơn trước rất nhiều. Như sự tâm tình giữa các tri kỉ với nhau, Chúa Giêsu không giấu các môn đệ điều gì khi nói cho các ông biết rõ về mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi, và sứ vụ trung gian Cứu độ của Mình, cuối cùng Ngài còn nhắn nhủ các môn đệ đừng sợ mà hãy “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24). Với các tông đồ, Ngài không những trao gởi niềm tâm sự trong những lời dạy, mà còn trao ban chính Mình – Máu như dấu chứng của một mối thân tình bền chặt giữa thầy và trò không bao giờ nhạt phai.

Qua Bí tích rửa tội, mỗi Kitô hữu được trở lại làm con Thiên Chúa. Đây không phải là một tước hiệu nhằm khoác lên người, nhưng là một mối quan hệ thật sự, là một tiếp xúc thân tình với chính Thiên Chúa. Với Đức Kitô và trong Đức Kitô, các Kitô hữu được lại gần với Thiên Chúa, thế nên những gì họ cầu xin vì công nghiệp của Đức Kitô sẽ được Chúa Cha nhậm lời. Nhờ tin nhận, yêu mến và sống thân tình với Đức Kitô, mỗi người sẽ sống trong tình yêu của Thiên Chúa như Đức Kitô đã khẳng định: “Chính Chúa Cha yêu các con vì các con đã yêu Ta và tin rằng Ta đã đến tự Thiên Chúa” (Ga, 16, 27). Thế nhưng để được sống thân tình với Thiên Chúa qua Đức Kitô thì phải làm thế nào? Cầu nguyện là con đường cơ bản và ngắn nhất để chúng ta có thể tạo lập được mối tương quan thân tình ấy, qua cầu nguyện chúng ta mới nghe và hiểu được ý Chúa

Xin Chúa cho mỗi người biết mở lòng thưa chuyện với Chúa qua đời sống cầu nguyện liên lỉ trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su. Nhờ đó, mỗi người có thể bước ra khỏi chính mình mà bước vào mối tương giao đích thực với Chúa, để có thể nghe, hiểu được ý Chúa mà sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen

[/loichua]

Comments are closed.