[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 14,7-14″]
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”. Phi-líp-phê thưa : “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giê-su nói cùng ông rằng : “Phi-líp-phê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư. Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”. Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư. Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm ; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NỖI KHAO KHÁT ‘GẶP CHÚA’ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
“Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con.” (Ga 14,8).
Trong trích đoạn TM hôm nay, ngay sau lời khẳng định của Chúa Giêsu về tương quan giữa Người với Chúa Cha (c.6-7) là lời nài xin của môn đệ Philipphê, “xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con” (c.8). Đối với Philipphê, lời khẳng định của Chúa Giêsu trừu tượng quá, còn ông thì muốn cái gì cụ thể, dễ hiểu, chỉ cần Thầy cho “xem thấy Cha” là mọi chuyện sẽ được giải quyết. Có thể nói, lời nài xin của Philipphê tuy thiển cận, nhưng sâu xa bộc lộ nỗi khao khát được gặp Thiên Chúa là Cha – và với người môn đệ, đó là điều chính đáng.
Khao khát và chờ mong gặp một người là dấu chứng tỏ mình đang yêu, đang thương người ấy. Chính trong cái day dứt của khao khát đợi chờ, tình yêu thúc người ta đi tìm nhau – tìm nhau trong đám đông, tìm nhau trong cuộc đời, tìm nhau trong tâm trí, thậm chí tìm nhau cả trong giấc ngủ. “Ngay từ rạng đông con mong tìm Chúa…linh hồn con luôn khao khát Chúa, thân xác con này mòn mỏi đợi trông…mỗi khi lên tới giường là con nhớ Ngài, là suốt đêm bồi hồi thao thức nào ngơi” (Tv 62,2-7), vì “lạy Chúa, lòng con cứ mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa mà thôi” (Augustino, Confessions).
Tuy nhiên, sự thật là không phải chúng ta đi tìm Chúa trước và càng không phải là chúng ta yêu Chúa trước, mà chính Chúa đã đi tìm và đã thương chúng ta trước (x. Ga 3,16; 1 Ga 4,19; Ep 1,9). Chúa Giêsu trả lời rõ ràng cho Philipphê và cũng trả lời rõ ràng cho chúng ta ở đây và lúc này rằng “ai thấy Thầy là xem thấy Cha” (c.9), và rằng qua những lời Người đã nói và những việc Người đã làm, Người tỏ cho chúng ta thấy và biết về Thiên Chúa là Cha của Người (c.10-11). Như thế, vấn đề còn lại tùy vào thái độ của chúng ta: có tin và chấp nhận Đức Giêsu là Con Một yêu dấu của Cha, là quà tặng tình yêu mà Cha dành cho chúng ta hay không?
Hãy mạnh dạn lại gần Chúa Giêsu hơn nữa (x. Gc 4,8; 1 Pr 2,4; Dt 4,16; 7,25; 10,22), thậm chí đừng ngại thưa với Người rằng “lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha” (c.8). Xin đừng quên: đó là cách ta cày vỡ mảnh đất tâm hồn để khơi lớn cơn khát Chúa viếng thăm ta mỗi ngày. Nếu lòng ta khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa, thì Chúa Giêsu còn ưu tư khắc khoải hơn khi ta không lại gần nói chuyện với Người (x. Christus Vivit, số 117).
Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta mỗi ngày đừng sợ dành thêm giờ đến với Người nơi Bí tích Thánh Thể, đừng ngại tìm một khoảng lặng để ở một mình với Người. Nếu thực sự ta đã tìm thấy “kho tàng được chôn giấu trong ruộng”, thực sự tìm thấy “viên ngọc quý”, lẽ nào ta lại không vui mừng bán tất cả những gì mình đang có để mua thửa ruộng, để sở hữu được viên ngọc ấy (x. Mt 13,44-46), vì “như thế là đủ” cho chúng ta rồi (c.8).
[/loichua]