Lời Chúa: Ga 7,40-53
Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
TRỞ VỀ NHÀ – HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC TIN
“Sau đó, ai nấy trở về nhà mình” (Ga 7,53)
Từ thuở ban đầu, con người đã đánh mất “nhà” đích thực của mình khi phạm tội. Hình ảnh Adam và Eva bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng (St 3,23-24), để lại trong lòng nhân loại một nỗi khát khao được trở về với Thiên Chúa. Từ đó, hành trình đức tin của dân Chúa là hành trình “trở về nhà” – trở về với Đấng đã tạo dựng con người.
Dân chúng, các thượng tế và biệt phái đã tranh luận về Đức Giêsu: Người có thật là Đấng Kitô không? Kẻ tin, người hoài nghi, kẻ khác lại tìm cách bắt bớ. Nhưng kết thúc đoạn Tin Mừng, có một chi tiết rất đáng chú ý: “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình” (Ga 7,53). Nhưng họ trở về với điều gì? Với tâm hồn rộng mở hay khép kín? Với sự thật hay thành kiến? Với ánh sáng hay bóng tối? Nhớ lại lịch sử của Dân Thánh, có một sự liên kết nhẹ khi chứng kiến Dân Israel, sau những năm tháng lưu đày ở Ai Cập, cũng khao khát Đất Hứa – miền đất không chỉ là quê hương trần thế mà còn là dấu chỉ của sự tự do trong Thiên Chúa (Xh 3,7-10). Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng để trở về: nhiều người đã ngã lòng trên đường, giữ chặt quá khứ của mình và từ chối bước đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Trong cùng ý hướng đó, câu chuyện người con hoang đàng (Lc 15,11-32) lại mở ra một khía cạnh khác của hành trình trở về. Người con thứ chỉ nhận ra ý nghĩa của “nhà” khi đã lâm vào cảnh bần cùng. Chính trong lúc khổ đau, anh mới hồi tâm và quyết định quay về với nhà của mình. Điều kỳ diệu là người cha không trách mắng, nhưng dang rộng vòng tay đón nhận anh. Đó cũng là cách Thiên Chúa chờ đợi mỗi chúng ta.
Hình ảnh “đi về nhà” trong Tin Mừng hôm nay không chỉ đơn thuần là một cử chỉ thể lý, mà còn là dấu hiệu của một lựa chọn nội tâm. Những người Pharisiêu, luật sĩ và đám đông đã lắng nghe lời Đức Giêsu, nhưng thay vì đón nhận, họ rơi vào chia rẽ: kẻ tin, người hoài nghi, kẻ cứng lòng, người chai đá. Họ rời đi, trở về nhà mình, nhưng có lẽ lòng họ vẫn xa lạ với Chúa. Họ không bước vào “Nhà của Thiên Chúa” – nơi có sự thật và sự sống, mà chỉ khép kín trong quan điểm của mình như sách Khôn Ngoan đã viết: “Chúng ta vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững” (Kn 9,14). Mỗi ngày, chúng ta cũng đang đi trên hành trình trở về nhà. Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta là: Khi trở về “nhà” mỗi ngày – sau công việc, sau giờ lớp, sau các giờ thiêng liêng, sau những tranh đấu nội tâm – chúng ta trở về với điều gì? Chúng ta có để Chúa đồng hành, có mở lòng ra với Chúa? Hay chúng ta chọn khép kín con tim và khối óc của mình như một số người Pharisiêu khi xưa?
Lạy Chúa, xin cho con biết trở về “nhà” mỗi ngày trong ánh sáng của Ngài. Đừng để con chỉ quay về với thói quen cũ, nhưng biết mở lòng để thực sự đi vào “Nhà” – nơi có sự thật, tình yêu và sự sống đời đời. Amen.