Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay – Ngày 29/03/2025

Lời Chúa: Lc 18,9-14

Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

SÁM HỐI TẬN CĂN

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Phàm là con người, ai cũng có lúc vấp ngã, lầm đường lạc lối. Nhưng đừng vì thế mà tự cho mình cái quyền buông thả, mặc sức gây ra lỗi lầm, bất chấp những tổn thương gây ra cho bản thân và những người xung quanh. Khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm những gì mình gây ra là điều tất yếu, nhưng điều quan trọng hơn cả là sự ăn năn hối cải chân thành, là quyết tâm chuyển hóa bản thân để không bao giờ lặp lại sai lầm ấy. Đó là ý nghĩa đích thực của sự sám hối.

Dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta chiêm ngắm hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện với tâm thế ý thức mình là kẻ tội lỗi – nên đứng ở phía xa…không dám ngước mặt lên và đấm ngực khẩn khoản cầu xin Chúa xót thương. Hiện diện với tư thế cúi đầu – đấm ngực, chắc hẳn người thu thuế đang nhìn sâu thẳm vào cõi lòng nhận ra sự thật của bản thân vẫn còn đó những yếu đuối lầm lỗi, và khao khát được Thiên Chúa tha thứ. Người thu thuế khiêm nhường nhìn nhận con người thật và cậy dựa vào Ân sủng để chuyển hóa bản thân, nên được Chúa đoái thương và tuyên dương: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.” Rõ ràng những ai thật lòng ăn năn thì “dù tội lỗi có đỏ như son, cũng ra như trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông.” Thực vậy, sám hối tận căn không chỉ là việc thừa nhận tội lỗi mình đã gây ra mà còn là việc mở lòng đón nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Trong đời sống cộng đoàn ‘có chung là có đụng’ và thông thường khi nhận ra có lỗi với tha nhân, giải pháp hay áp dụng là vội vàng tìm đến người đó phân trần hay làm một điều gì đó để chuộc lỗi, để bù đắp cảm xúc tốt cho họ, đồng thời, bản thân cũng mong muốn nhận lại một cảm xúc tương tự. Nghĩ như thế là đủ, tâm hồn cả hai đều an yên. Nếu dừng lại ở đó thì dường như trọng tâm cuộc đời chỉ là‘cái tôi của mình’. Bên cạnh đó, không ít người tuyên bố hùng hồn ‘tôi không bao giờ ân hận về những gì mình đã làm? Nghe rất tự tin và bản lĩnh. Nhưng với lối suy nghĩ ấy, phải chăng sự ân hận như một gánh nặng, một sự thừa nhận đáng xấu hổ về sự thiếu sót của bản thân, hay họ sợ phải đối diện với những sai lầm của mình? Gẫm lại dụ ngôn Chúa dạy hôm nay, chúng ta biết vượt thắng cái tôi của mình để thay đổi con tim, đưa Chúa vào trọng tâm cuộc đời, có như vậy, chúng ta với đủ can đảm nhìn lại toàn vẹn thân tâm mình bằng thái độ không thành kiến để hiểu thấu tường tận và ân hận những sai trái đã vấp phạm, hấu hướng vọng tới Chúa xin Ngài thứ tha. Như Đức giáo hoàng Benedicto XVI nhấn mạnh sám hối là một hành trình trở về với tình yêu của Thiên Chúa, là sự tái lập mối quan hệ đã bị tổn thương bởi tội lỗi.

Trong mùa Chay thánh này, xin Chúa cho chúng ta biết quyết tâm không ngủ mê trong quá khứ lỗi lầm, nhưng thành tầm nhìn vào quá khứ yếu đuối để nhận ra vết thương và chữa trị tận căn, hầu chúng ta có một tâm hồn mới đón mừng niềm vui Phục Sinh.

 

Comments are closed.