Lời Chúa: Mt 17,10-13
Khi thầy trò từ trên núi xuống Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?”. Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG ĐI CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ
“Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17,12b)
tránh xa và không muốn những điều xấu, những đau khổ, những bất hạnh xảy đến. Lạ kì thay, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng lại đến làm người và đi con đường đau khổ.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh thầy trò từ trên núi xuống sau khi Chúa biến hình. Trong biến cố này, các môn đệ đã được chứng kiến Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa. Do đó, các môn đệ hỏi Chúa về việc: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” (Mt 17,10). Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ hiểu về việc ngôn sứ Êlia phải đến trước cũng như sứ mạng của ông: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự” (Mt 17,11) để dẫn đưa dân trở về với Đức Chúa. Chúa Giêsu cũng cho họ biết cuộc đời của ngôn sứ Êlia: “ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,11). Điều này gợi nhớ lại việc ông bị truy sát bởi hoàng hậu Ideven (x. 1V 19,2-8). Không chỉ có Êlia mà ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng sẽ có kết cục như vậy: chịu đau khổ và bị giết để làm chứng cho chân lý. Khi trả lời cho các môn đệ về ngôn sứ Êlia cũng như sứ mạng và kết cục của ngôn sứ này, Chúa Giêsu cũng tiên báo về sứ mạng của Người: “Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17,12b). Cũng thế, Đức Giêsu 3 lần tiên báo về con đường mà Người sẽ đi đó là con đường đau khổ, con đường của khổ hình và chịu đóng đinh thập giá (x. Mc 9,31). Dù con đường đau khổ đã được tiên báo, nhưng Đức Giêsu vẫn tự nguyện đón nhận để thông phần đau khổ và ban ơn cứu độ cho con người. Chính vì thế, người Do Thái không tin, không đón nhận những lời rao giảng cũng như sứ mạng của Chúa Giêsu vì đối với họ, Đấng Mêsia đến để lãnh đạo, giải phóng họ khỏi ách thống trị đế quốc Rôma. Đấng Mêsia trong tâm thức của họ là Đấng sẽ đến trong vinh quang và quyền lực. Thế nhưng, Đức Giêsu chọn bước đi trên con đường khổ giá để yêu thương và mang ơn cứu độ cho mọi người.
Bước đi trên con đường đau khổ, Đức Giêsu cảm thông, yêu thương, nâng đỡ và chia sẻ với những người đau khổ, những người nghèo hèn, bé mọn. Như lời trong thư Do Thái: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Đức Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận những đau khổ của mình, nghĩa là đón nhận những khó khăn, những trái ý trong cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa, Người còn gọi mời chúng ta hãy mở lòng ra để cảm thông, sẻ chia và nâng đỡ những người đau khổ, những người nghèo hèn bé nhỏ, những người đang cần sự giúp đỡ. Có như thế, đau khổ mang một giá trị mới trong cuộc sống, vừa giúp chúng ta kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô, vừa giúp ta cảm thông và chia sẻ với đau khổ của tha nhân.
Lạy Chúa, chúng con cảm Chúa đã đến và đi con đường đau khổ để yêu thương và mở ra con đường cứu độ cho chúng con. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con để can đảm đón nhận những đau khổ, những trái ý trong cuộc sống với sự tin tưởng và phó thác trong tay Chúa. Amen