Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay – Ngày 22/03/2025

Lời Chúa: Lc 15, 1-3.11-32

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. .. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.”

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”“.

 

KHUÔN MẶT ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA

“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32)

Trong tâm thức của giới Pharisêu và Luật sĩ Do Thái, những người thu thuế và những người tội lỗi là những người bị Thiên Chúa chê ghét. Đối với họ, Thiên Chúa yêu thương những người công chính và chê ghét kẻ tội lỗi. Biết được tâm thức của họ như vậy, Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa trong dụ ngôn: Người Cha Nhân Hậu.

Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu với người tội lỗi. Trong dụ ngôn, người con thứ phung phí phần gia tài cho một cuộc đời trụy lạc, phóng đãng, rồi từ đó đã đánh mất quyền làm con, đánh mất phẩm giá của chính mình. Người cha chờ đợi, mong muốn người con tội lỗi quay trở về. Để khi người con thứ nhận ra tội lỗi và quay trở về thú tội: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21), người cha liền tha thứ, yêu thương và phục hồi phẩm giá cho người con “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy bằng việc cho mặc quần áo mới, cho xỏ nhẫn và đi dép, lại còn mở tiệc ăn mừng nữa” (Lc 15,22-24). Tình yêu và lòng thương xót của người cha tha thứ tất cả; không dựa trên quy tắc công lý của con người, nhưng dựa trên quy chuẩn tình yêu. Với người con cả, anh sống bên cha mà không cảm nhận được tình yêu thương của cha; khi người em ra đi, anh không còn coi đó là em mình nữa. Do đó, khi ngoài đồng về, anh tức giận khi biết người em trở về và được cha tha thứ và dọn tiệc ăn mừng, anh đã từ chối vào nhà vì anh cho rằng: anh đã bị cha mình đối xử bất công, khiến quyền lợi của anh bị thiệt thòi. Biết được như vậy, người cha đã đi bước trước mời gọi anh vào nhà, vào trong tình yêu thương của người cha, trong tình huynh đệ với anh em vì: “tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31), “vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Thật vậy, Chúa Giêsu cho biết về tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên Chúa đã đi tìm gặp họ trước khi họ lên đường trở về với Ngài. Ngài vui mừng, đón tiếp mỗi tội nhan trở về và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi của họ. Ngài ban cho họ một sự biến đổi toàn diện thành con người mới. Đó là Khuôn Mặt Đích Thực Của Thiên Chúa.

Hình ảnh hai người con trong dụ ngôn có lẽ cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta. Có khi chúng ta đóng vai người con thứ: xa lầy trong những yếu đuối, trầm luân trong những dục vọng, tội lỗi. Cũng có khi trong tâm thức người con cả, sống trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà không cảm nhận được; sống coi thường người khác, nhất là những người nghèo, người đau khổ, tội lỗi. Thật vậy, Mùa Chay Thánh mời gọi mỗi người cần can đảm “duyệt xét lại mình”, đâu là hình ảnh của tôi trong dụ ngôn trên. Hay như lời Đức Thánh Cha trong sứ điệp Mùa Chay năm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu dừng lại và tự vấn chính mình: “Tôi có thực sự đang bước đi hay đang bị tê liệt, trì trệ, sợ hãi và tuyệt vọng, hoặc ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình? Tôi có đang tìm những cách giải thoát bản thân khỏi những tình huống tội lỗi và hạ thấp phẩm giá của tôi không?” Nhờ đó, chúng ta nhận ra sự thật về con người mình, những yếu đuối, nết xấu, tội lỗi đang cản trở ta tiến bước trong đời sống thánh thiện, đời sống yêu thương. Dưới tác động của ân sủng Chúa, chúng ta can đảm đến với Bí Tích Hòa Giải để được đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa; được tha thứ tội lỗi và được trao ban ân sủng để biến đổi trong đời sống mới. Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa bằng cách sống bác ái, yêu thương và tha thứ cho những người làm xúc phạm, làm tổn thương đến mình. Nhờ đó, sự hiện diện của chúng ta tràn đầy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm nhận thật về con người mình và biến đổi cuộc sống trong ân sủng và thánh ý Chúa, đồng thời trở nên chứng nhân về tình yêu và lòng thương xót cho anh chị em.

 

Comments are closed.