[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 15,1-3.11-32″]
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:
“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó. Nhưng người cha bảo: Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TRỞ VỀ ĐÓN NHẬN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHA
“Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’”
Trích đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca chúng ta vừa nghe thuộc trình thuật cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Trong hành trình này có không ít dân chúng đi theo để nghe những giáo huấn của Ngài. Hôm nay Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn để nói cho những người Pharisiêu và các Kinh sư rõ hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa vì họ lẩm bẩm trách móc Đức Giêsu khi Ngài đón tiếp và dùng bữa với người thâu thuế và tội lỗi “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Các nhân vật trong dụ ngôn có lẽ quá quen thuộc với mỗi chúng ta, hình ảnh người cha luôn tôn trọng mong muốn và quyết định của con cái chính là Thiên Chúa. Ngài hằng yêu thương và tôn trọng sự tự do của con người và Ngài cũng không dùng các biện pháp để ép buộc con người nhưng là lời mời gọi để con người sống theo ý muốn của Ngài. Là con cái Thiên Chúa, mỗi chúng ta đã và đang sống và đáp trả lại tình thương của Thiên Chúa theo thái độ của người con cả hay con thứ trong câu chuyện dụ ngôn trên?
Phải chăng chúng ta đang sống và đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa với thái độ của người con thứ khi mà đã dùng phần tài sản mà Thiên Chúa trao cho là những tài năng, sức khỏe và của cải để tiêu hao vào những thú vui mau qua của trần thế? và mỗi khi gặp thử thách gian nan trong cuộc sống chúng ta lại cảm thấy ăn năn hối hận quay về thưa lên lời xin lỗi “con thật đắc tội với trời và với cha” để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Chắc chắn với lòng thương xót vô biên thì Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và hằng mở rộng vòng tay để đón chờ ta quay trở về với Ngài. Nhưng khi trở về được đón nhận sự tha thứ, tình yêu thương của Thiên Chúa – tình thương của người “Cha” dành cho “con”, thì chúng ta có đáp lại tình thương ấy với thái độ và trong vai trò của một người “con” hay chúng ta chỉ sống và đáp lại tình thương ấy trong vai trò của người “làm công cho cha” để sống cho qua ngày đoạn tháng.
Hay chúng ta đang sống và tương quan với Thiên Chúa như thái độ của người con cả, ngày đêm ở cạnh giúp đỡ phục vụ cha tận tình chu đáo, hằng vâng nghe và tuân giữ lời cha nhưng với thái độ chịu đựng “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Rõ ràng dù ở cùng cha nhưng người con cả vẫn không hề thấu hiểu được cha mình, không hề hiểu được tình thương của người cha để rồi tỏ ra ghen tị với tình thương mà cha dành cho người em của mình, sự ghen tị đó khiến anh ta tự mình tách mình ra khỏi tình cảm gia đình, khỏi tình thương của cha mình. Điều đó có phản ảnh cuộc sống hiện tại của chúng ta khi mà chúng ta vẫn tham dự đầy đủ các giờ đạo đức, chu toàn bổn phận của một người Kitô hữu nhưng là với thái độ làm cho qua, cho đủ để yên tâm vì mình đã chu toàn như luật dạy chứ không thực sự xuất phát từ lòng mến Chúa.
Xét cho cùng, cả hai người con trong dụ ngôn trên đều chưa thấu hiểu hết tình thương của cha đã dành cho mình và tác giả Tin mừng kết thúc dụ ngôn cách đột ngột khi câu chuyện chưa có hồi kết viên mãn để niềm vui của người cha được trọn vẹn. Phải chăng cái kết của câu chuyện được bỏ ngỏ là có ý dành cho mỗi tín hữu chúng ta viết tiếp bằng chính đời sống của mình trong thái độ, tương quan với Thiên Chúa?
Xin cho mỗi chúng ta biết dành thời gian mùa Chay thánh này để nhìn lại bản thân mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Khi nhận ra sự yếu đuối, bất toàn của mình, chúng ta can đảm đứng lên quay trở về cùng Chúa để được đón nhận sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài.
[/loichua]