Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên – Ngày 18/01/2025

Lời Chúa: Mc 2, 13-17

Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

 

CHÚA GIÊSU – VỊ LƯƠNG Y ĐÍCH THỰC CỦA TÂM HỒN

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17 )

Trong hành trình đức tin, mỗi người đều mang những vết thương ẩn sâu trong tâm hồn. Giữa những ngổn ngang đó, Chúa Giêsu xuất hiện như một Vị Lương Y đầy lòng nhân ái, sẵn sàng chữa lành những tâm hồn tổn thương ấy.

Bài Tin Mừng hôm nay khẳng định rõ sứ mạng của Chúa Giêsu: Ngài đến vì những ai ý thức sự yếu đuối, thiếu thốn của tâm hồn và khát khao ơn tha thứ, để Ngài có thể đem lại sự chữa lành thiêng liêng. Chúa Giêsu không chỉ đến để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, mà còn hiện diện như một Lương Y đầy tận tâm cho các tâm hồn. Ngài không xa lánh người tội lỗi như thái độ của một số kinh sư Pharisêu, nhưng đi vào sự tận cùng của những nỗi đau thầm kín, chạm đến những thương tích vô hình trong cõi lòng con người – đó là tội lỗi, sự khô khan, cứng cỏi hay thờ ơ, để mời gọi tất cả trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính nhờ sự hiện diện và tác động ấy, những ai tin tưởng và biết mở lòng mình sẽ chạy đến và tìm thấy nơi Chúa Giêsu sự bình an và niềm hy vọng ơn tái sinh. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn đau yếu, mệt mỏi đến với Ngài qua Bí tích Hòa Giải, để được băng bó mọi vết thương lòng và được phục hồi một sức sống mới.

Là các Kitô hữu, việc năng đến với Bí tích Hòa Giải không chỉ là cơ hội để chúng ta được cảm nghiệm trực tiếp ơn tha thứ và chữa lành từ lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn giúp thấu hiểu sâu sắc hơn sự yếu đuối của chính mình. Điều này giúp chúng ta trở nên khiêm tốn hơn, cũng như không ngừng cậy dựa vào ơn Chúa để đổi mới đời sống và tiến bước vững vàng trong hành trình đức tin. Bên cạnh đó, Bí tích Hòa Giải còn là nguồn động lực giúp chúng ta canh tân mối tương quan với tha nhân. Khi được giao hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi đi vào sự hòa giải với tha nhân, xóa bỏ mọi chia rẽ, bất hòa trong đời sống hằng ngày. Qua sự hoà giải này, tình yêu và lòng thương xót của Chúa được lan tỏa, làm cho các mối tương quan trở nên thánh thiện hơn, đồng thời củng cố tình hiệp nhất giữa mọi người với nhau. Nhờ đó, chúng ta sống trọn vẹn hơn ơn gọi yêu thương mà Chúa Kitô đã mời gọi, và trở thành các tia sáng soi đường cho thế giới (x. Mt 5, 14).

“Lạy Chúa Giêsu, Vị Lương Y đích thực của linh hồn chúng con, xin Chúa thương chạm đến và đánh động những cõi lòng chai cứng, để chúng con biết trở nên khiêm nhường mà trở về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải, để được Chúa tha thứ và chữa lành những vết thương sâu kín trong tâm hồn. Nhờ đó, chúng con biết canh tân đời sống, trở thành khí cụ của sự tha thứ và bình an, ngõ hầu làm sáng danh Chúa. Amen”.

 

Comments are closed.