[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11″]
Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHIÊM NHƯỜNG NHẬN RA VỊ TRÍ CỦA MÌNH TRƯỚC NHAN CHÚA
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu được mời dự tiệc tại nhà ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu và họ muốn cố ý dò xét Người. Qua sự kiện người dự tiệc cứ chọn chỗ nhất trong bàn tiệc, Chúa Giêsu đưa ra bài học về đức khiêm nhường với dụ ngôn về bữa tiệc.
Chúa Giêsu cho thấy điều quan trọng không phải là “chọn chỗ nhất” nhưng là khiêm nhường xác định vị trí của mình ở đâu trong tương quan với Chúa và với mọi người. Qua đó, Chúa cho chúng ta tiêu chuẩn để đánh giá địa vị bản thân: Địa vị không hệ tại ở việc mình chọn vị trí, mình tự đề cao bản thân, hay mình giành lấy địa vị; đúng hơn, địa vị phải xuất phát từ chính sự đánh giá khách quan của người khác dành cho mình, đó mới chính xác và công tâm. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng xác định vị trí của mỗi người cách chính xác và đúng đắn nhất, bởi, tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của phàm nhân, không theo tiêu chí của người đời: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11). Giá trị mỗi người không hệ tại ở vị trí mà mình đạt được, nhưng là thái độ sống khiêm nhường trong vị trí của mình. Chính Chúa Giêsu đã không dành cho mình địa vị như Ngài vốn có, nhưng Người đã nêu gương sống khiêm hạ: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11). Để rồi, qua mầu nhiệm hạ mình tự hủy, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha tôn siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu. Mẹ Maria khi đứng trước mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ cũng đã thốt lên trong sự khiêm hạ: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Với thái độ vâng phục trong khiêm nhường, Mẹ Maria được Thiên Chúa ban cho những đặc ân đặc biệt vượt xa những gì Mẹ tưởng nghĩ. Còn Thánh Gioan Tẩy Giả cũng ý thức sâu sắc về vị trí của mình với sự khiêm nhượng: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”.
Qua Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết ý thức bản thân mình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu còn cho thấy người sống khôn ngoan là người biết sống khiêm nhường trong vị trí của mình. Vì khi chúng ta biết sống khiêm nhường là chúng ta ý thức được thân phận của mình trước Chúa. Điều này giúp chúng ta sống phó thác tin tưởng, cậy trông vào Chúa hơn là tự sức mình, đồng thời giúp ta nỗ lực cộng tác với ơn Chúa ban mà sinh hoa kết quả trong đời sống của mình. Khi đó, chúng ta không cần phải tìm đi kiếm địa vị riêng cho mình, để rồi đau khổ khi không đạt được, nhưng Chúa sẽ đặt chúng ta vào đúng vị trí của mình để phục vụ Chúa và tha nhân theo ý Chúa muốn.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta nhận ra vị trí của mình trong tương quan với Chúa và tha nhân, để biết sống khiêm nhường mà phục vụ và cộng tác với ơn Chúa, hầu sinh nhiều hoa trái trong phận vụ Chúa mời gọi.
[/loichua]