[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 3,22 -30″]
Khi ấy, Chúa Giê-su cùng các môn đệ Người đến đất Giu-đê-a. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gio-an làm phép rửa tại Ai-non, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gio-an chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gio-an và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gio-an và nói với ông : “Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan, mà thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người”. Gio-an trả lời rằng : “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho”. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói “tôi không phải là Ðấng Ki-tô, nhưng tôi được sai đến trước Người”. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỂ CHO CHÚA LỚN LÊN
Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại. (Ga 3,30)
Trong tâm thức con người ai cũng mong muốn mình được làm lớn, được nổi bật hơn so với người khác. Đối với họ đây là một thành công. Tuy nhiên, điều này có thực sự cần thiết với người môn đệ Chúa hay không?
Tin mừng thuật lại việc tranh luận giữa những người môn đệ của Gioan và những người Do Thái về phép rửa của Gioan và Chúa Giêsu xem phép rửa nào quan trọng hơn. Đứng trong tâm thức của con người bình thường thì họ sẽ đề cao những gì thuộc về mình. Do đó, các môn đệ của Gioan hẳn cũng muốn phép rửa của thầy mình quan trọng hơn. Vì thế, các ông còn đưa ra lí do rất thuyết phục cho thấy phép rửa thầy mình quan trọng hơn đó là: ông Giêsu đang làm phép rửa thì chính Ngài cũng được Gioan làm phép rửa cho. Như thế, họ có cơ sở để nâng cao giá trị phép rửa của Gioan hơn phép rửa của Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cũng chỉ là một trong số những người được Gioan làm phép rửa. Tuy nhiên, Gioan đã không để các môn đệ đề cao ông mà hạ thấp vai trò của Chúa Giêsu vì ông biết Chúa Giêsu chính là Đấng muôn dân mong đợi. Ông tự nhận mình không đáng cởi dây giày cho Người. Ông đã ý thức được sự nhỏ bé trong vai trò của mình. Vì thế, mặc dù làm phép rửa cho Ngài nhưng ông đã không tự kiêu, mà xem mình như một dụng cụ của Chúa, như một người bạn hữu của tân lang. Chỉ có tân lang mới là người nổi bật còn ông chỉ là người đến để dọn đường để kêu gọi mọi người sám hối mà quay trở về cùng Thiên Chúa.
Vì ghen tương, ganh tỵ nên các môn đệ của Gioan đã không nhận ra sự thật và giá trị phép rửa của Chúa Giêsu. Cũng vậy, nếu chúng ta để tâm cạnh tranh, ganh tỵ, độc đoán và độc quyền trong công việc, thì ý tưởng và quan niệm của chúng ta về tha nhân cũng sẽ chủ quan và sai lầm. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải để cho Chúa thực hiện vai trò của Ngài trong cuộc đời mình. Càng để cho Chúa lớn lên thì mỗi người sẽ càng nhận thức sự bé nhỏ của mình. Để có thể thực hiện được điều này, mỗi người cần có một sự khiêm nhường. Khiêm nhường giúp chúng ta nhìn nhận Chúa như là chủ của cuộc đời mình. Đồng thời, khiêm nhường cũng giúp cho chúng ta nhận ra sự yếu đuối cũng như những lỗi lầm của mình để từ đó chúng ta mới dám phó mình thực sự trong tay Chúa. Chỉ như thế khi làm việc tông đồ ta mới sẵn sàng làm vì danh Chúa mà công việc tông đồ càng làm vì danh Chúa thì càng ảnh hưởng đến tha nhân. Do vậy, khi thi hành việc tông đồ, chúng ta phải quên mình đi để Chúa và tâm tình của Người nổi bật lên, khiến người đón nhận và chứng kiến dễ cảm nghiệm về Chúa.
Thánh Augustinô đã khéo so sánh vai trò của Gioan và của Đức Giêsu như sau :“Tôi lắng nghe : Ngài mới là người nói. Tôi được chiếu sáng: Ngài mới là ánh sáng. Tôi là lỗ tai, Ngài mới là Lời”. Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức vai trò của Thiên Chúa trong cuộc đời mình ngõ hầu chúng ta làm mọi việc vì vinh danh Chúa. Amen.
[/loichua]