Thứ Ba Tuần XXIII Mùa Thường Niên – Ngày 10/09/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6,12-19″]

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NGUỒN SỐNG CỦA LINH HỒN

“Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”(Lc 12,6)

Con người là một hữu thể sống có hồn và xác. Thân xác duy trì sự hiện hữu bằng những dưỡng chất được hấp thụ qua các vật chất và rất được chú trọng. Còn nguồn sống của phần hồn ít khi được chú ý, quan tâm. Sự vô tâm đến nổi họ không biết nguồn sống nuôi dưỡng linh hồn là gì?

Trả lời câu hỏi nguồn sống của linh hồn dễ đưa ta đến những ngõ cụt. Thánh sử Luca giới thiệu cho chúng ta câu trả lời hoàn hảo nơi đời sống của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Câu trả lời này bắt đầu bằng một động từ hơn là danh từ: sống cầu nguyện. Đức Giêsu dẫu là Con Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn dành thời gian để cầu nguyện. Ngài cầu nguyện không ngắt quãng nhưng là “suốt đêm cùng Thiên Chúa”. Chỉ một mình Ngài và Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu dẫn các môn đệ lên núi để “nối nguồn” – nguồn sức sống của linh hồn Người Con và người môn đệ. Ví như máy móc cần nguồn điện, vật sống cần nguồn dưỡng chất thì linh hồn cũng cần nguồn sống cho riêng mình mà đối với Đức Giêsu đó là sống cầu nguyện. Đọc hết bài Tin Mừng chúng ta nhận thấy rằng, Chúa Giêsu dành ưu tiên hàng đầu và trên hết cho việc cầu nguyện. Đối với Ngài cầu nguyện giữ vị trí hết sức quan trọng, Ngài cầu nguyện trước khi chọn các tông đồ, cầu nguyện trước việc chữa lành và làm phép lạ cho tha nhân. Vì sao thế?

Vì cầu nguyện là nguồn dưỡng nuôi cho linh hồn. Một linh hồn thuộc trọn về Cha. Nếu nguồn điện làm cho máy móc được hoạt động, các nguồn dưỡng chất làm cho vật sống tăng trưởng và phát triển thì việc cầu nguyện cũng làm cho linh hồn được tăng tiến, thăng hoa. Cầu nguyện trở thành nhựa sống của linh hồn người Kitô hữu. Cầu nguyện đưa linh hồn ta đến gần Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử thách và hiểm nguy đang đe dọa đến sự tồn tại. Nơi cầu nguyện linh hồn tìm được nguồn trợ lực vững vàng trên hành trình hướng về “Nguồn Sống”.

Cuộc sống vốn đã lắm những vất vả, khốn khó, khổ đau, thử thách, gian nan, những mối hiểm họa lan tràn và đầy rẫy sự dữ nhưng con người lo chạy chữa, xoa dịu những cái bên bên ngoài mà đã không ít lần nhớ đến chăm sóc cho chính linh hồn mình. Lời Chúa hôm nay như một nhắc nhở đến cho mỗi người chúng ta: hãy biết chăm sóc cho linh hồn mình bằng đời sống cầu nguyện. Như thế, chúng ta mới trở nên toàn diện, phát triển lành mạnh cả thể xác và hồn. Linh hồn của chúng ta như thế nào phụ thuộc vào chính đời sống cầu nguyện.

Cơn sóng dữ của sự an nhàn, hưởng thụ luôn cuốn cuộc đời chúng ta theo nó, và khiến chúng ta lướt qua những làn gió nhẹ nhàng của tiếng Chúa trong đời sống của mình. Xin Chúa cho chúng ta biết tĩnh lặng mà kín múc nguồn sống của linh hồn nơi đời sống cầu nguyện chuyên chăm và sốt sắng.

[/loichua]

Comments are closed.