[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 13,36-43″]
Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LÚA TỐT VÀ CỎ LÙNG
“Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần” (Mt 13,38b).
Đoạn trích Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nằm trong chuỗi bài giảng bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu, dùng để diễn tả về mầu nhiệm Nước Trời đó là các dụ ngôn: “Người gieo giống”, “Cỏ lùng trong ruộng”, “Hạt cải” và “Nắm men trong bột” (x. Mt 13).
Tuy Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh rất quen thuộc của đời sống thường nhật, nhưng các môn đệ cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của những dụ ngôn. Với sự khát khao tìm kiếm chân lý, các môn đệ đã mạnh dạn “lại gần Người và thưa rằng: ‘Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe” (Mt 13,36b). Đáp lại nỗi khát mong của các môn đệ, Chúa Giêsu đã ân cần giải thích ý nghĩa của dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa”: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13,37-39).
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ngày tận thế là mùa gặt, sẽ có việc phân biệt rõ ràng kẻ lành người dữ và sẽ có thưởng có phạt phân minh. Thế gian nói chung và Hội Thánh nói riêng, vẫn luôn có kẻ lành người dữ, kẻ tốt người xấu sống chung lẫn lộn với nhau. Thiên Chúa không trừng phạt kẻ tội lỗi ở đời này, chỉ vì Người khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về, để được hưởng ơn tha thứ. Người cho thấy Thiên Chúa không muốn triệt tiêu những kẻ dữ, nhưng muốn họ sống còn và biến đổi thành những người tốt. Hẳn là Ngài hiểu tính hợp lý trong đề nghị của các đầy tớ, nhưng Ngài đã phải xử sự ngược đời, là vì cỏ lùng sống đan quyện với lúa tốt, nên nếu nhổ cỏ lùng, thì khó tránh được chuyện nhổ cả lúa tốt. Với lại, nếu cỏ lùng không thể thành lúa tốt được, thì kẻ xấu lại có thể trở thành người tốt. Sự hiểu biết và kiên nhẫn của Thiên Chúa là nhằm cứu độ mọi người.
Trong tâm hồn của mỗi người cũng luôn có mầm sống của hạt giống tốt là Lời Chúa và mầm sống của cỏ lùng do ma quỷ đã dùng mưu chước cám dỗ gieo vào. Mầm sống của hạt giống tốt phát triển từ những việc lành, hy sinh hãm mình, từ đời sống cầu nguyện. Mầm sống của hạt giống tốt là càng lớn mạnh thì mầm sống của cỏ lùng sẽ càng yếu đi. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn này để nhắn nhủ chúng ta là con cái Chúa phải giữ mình đừng lây tật xấu; hãy biết quảng đại bao dung với người lầm lỗi biết sám hối trở về với Chúa để ngày tận thế ta được đưa về Nước Trời như lúa chắc mẩy được đưa vào kho, không bị đem đốt như cỏ lùng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức thân phận bất toàn của mình mà sửa đổi theo như lời Chúa dạy, để rồi từng ngày, chúng con để cho hạt giống tốt lớn lên và giảm trừ hạt giống xấu; cũng như biết đón nhận và giúp cho những người lầm lỗi nhận ra tình yêu của Chúa dành cho họ mà hoán cải, nên một mùa gặt bội thu, đầy lúa chắc mẩy.
[/loichua]