Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh – Ngày 30/04/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 14,27-31a”]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

GẮN KẾT VỚI CHÚA LÀ NỀN TẢNG CỦA BÌNH AN

“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27)

Có lẽ phần đa chúng ta đã từng chứng kiến một ai đó lìa xa cõi đời này. Đó là một khung cảnh u sầu ảm đạm của những tâm hồn buồn bã xao xuyến, xen lẫn chút hy vọng. Khung cảnh này phần nào giống khung cảnh mà thánh sử Gioan vừa hoạ lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng vừa nghe. Điểm đặc biệt nơi khung cảnh Gioan thuật lại chính là việc Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ. Bình an, Chúa Giêsu ban, chính là ánh sáng toả rạng giữa khung cảnh đen tối ảm đạm khi Ngài báo trước việc Ngài bước vào cuộc thương khó.

Trong tiếng Do Thái, bình an là “shalom”. Từ này thường dùng chỉ sự nguyên vẹn, đầy đủ, hoặc tái lập sự vật trong trật tự cũ hay trong trạng thái nguyên vẹn của chúng . Thánh Kinh cho biết mọi vật đều trong trạng thái nguyên vẹn ngay từ khởi đầu sáng tạo, song nó bị phá vỡ khi con người phạm tội (x.St 3). Như thế, nền tảng bình an chính là sự gắn kết với Thiên Chúa. Chính dân tộc Israel thấu hiểu điều này khi họ lìa xa Chúa, và họ mất đi bình an. Nếu đi sâu vào trong bối cảnh Tin Mừng, chúng ta thấy hình ảnh cộng đoàn của thánh Gioan đang chịu sự bách hại, họ đang rất cần sự bình an. Thánh Gioan cho thấy bình an có được khi họ gắn kết với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng thế gian và sự chết, chính Ngài đã để lại bình an và ban bình an cho họ : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27).

Trở về với cuộc sống hiện tại, nhiều lúc chúng ta gặp không ít gian nan thử thách, những lo lắng khổ đau, bao nỗi buồn sầu vất vả. Tất cả làm cho chúng ta xao xuyến sợ hãi như các môn đệ khi xưa. Chúng ta cần bình an. Và chính Chúa cũng đã thương ban bình an đó cho chúng ta. Điểm mấu chốt là việc chúng ta có sẵn sàng đón nhận bình an của Chúa ban tặng hay không ? Bình an là món quà không phải dứt khoát một lần đón nhận là sử dụng cho hết cuộc đời, nhưng cần được xây dựng mỗi ngày. Bởi bình an là chính Chúa. Khi gắn kết với Ngài thường xuyên, chúng ta cũng luôn có bình an. Còn khi phạm tội, chúng ta đánh mất sự bình an. Chính tội lỗi làm xáo trộn mọi thứ. Chỉ có Chúa mới tái lập trật tự đó cho những ai gắn kết với Ngài. Chúng ta được mời gọi đến hưởng sự bình an, nghĩa là gắn kết với Thiên Chúa ngang qua việc gẫm suy Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Ngoài ra, Bí tích Hoà Giải là phương thế hữu hiệu giúp chúng ta gần gũi với Thiên Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, trong những giờ phút đau khổ của cuộc thương khó sắp diễn ra, Chúa luôn bình an vì Chúa hằng liên kết với Chúa Cha và thực thi thánh ý của Ngài. Chúa cũng thấy lòng xao xuyến sợ hãi của các môn đệ khi Chúa sắp lìa xa họ. Và Chúa đã ban bình an cho các môn đệ. Ước chi Chúa cũng ban bình an cho mỗi người chúng con mọi ngày trong suốt cuộc đời, nhất là trong những lúc đau thương của cuộc sống. Xin cho chúng con cũng biết đón nhận sự bình an của Chúa bằng cách gắn kết với Chúa mỗi ngày. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.