[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2,23–28″]
Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế”.
Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LUẬT VỊ NHÂN SINH
“Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27).
Sabath là ngày nghỉ lễ của người Do Thái vào thứ Bảy hàng tuần, là một ngày được thánh hiến cho Chúa . Nguồn gốc của ngày này bắt nguồn từ biến cố được thuật lại trong sách Xuất Hành (Xh 20,8). Khi Chúa thiết lập giao ước với dân tộc Do Thái, Người đã muốn họ giữ luật về ngày lễ này, để họ được nghỉ ngơi lại sức. Đây quả thực là một luật vị nhân sinh.
Trong sách Đệ Nhị Luật chương 5, ta thấy rõ được ý nghĩa này của ngày nghỉ Sabbath (Đnl 5,12–15). Ngày này được lập ra để mọi người được nghỉ ngơi, để con cái của họ, và để tôi tớ của họ cũng được nghỉ ngơi. Qua đó, họ nhớ rằng, Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh cơ cực của kiếp nô lệ, cho họ được sống đúng phẩm giá cao quý của con người.
Nhưng trong chiều hướng khác, do các vị tư tế nhấn mạnh quá nhiều vào khía cạnh “ngày để thánh hiến cho Chúa”, nên họ đặt nặng yếu tố giữ luật. Họ học theo cách thức Chúa nghỉ trong ngày thứ 7 của 7 ngày sáng tạo thế giới. Họ muốn làm giống Chúa để được thánh như Chúa. Họ nghỉ vì sự thánh thiện. Tuy nhiên, càng ngày, họ càng nhấn mạnh khía cạnh luật đến mức khó sống nổi. Như trong văn kiện Damas quy định: người giữ trẻ ngày Sabbath không được bồng nó; thú vật sinh con không được ai giúp đỡ nó; nó sa xuống giếng không được kéo nó ra; người ta mà có sa vào giếng cũng không được lấy thang hay thòng dây mà kéo ra; ai cố tình vi phạm phải bị xử tử,… Luật Sabbath, qua thời gian, đã mất đi yếu tố vị nhân sinh. Luật Sabbath đã mất dần đi ý nghĩa ban đầu mà Chúa muốn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm mới lại ý nghĩa của ngày Sabbath mà dân Do Thái đã làm sai lệch. Ngài nói: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27). Con người không sống vì luật. Không phải Chúa đặt ra các điều luật để con người làm vui lòng Ngài. Nhưng, Chúa đặt các điều luật vì hạnh phúc con người. Do đó, ngày Sabath nhằm đem lại sự nghỉ ngơi và hạnh phúc cho con người, chứ không phải là một gánh nặng mà họ gắng sức thi hành.
Với cái nhìn trên, ta thấy được, mọi việc Chúa làm đều vì ích lợi cho con người. Vậy nên, trong cuộc sống hằng ngày, ta hãy nhìn lề luật, cũng như mọi biến cố xảy đến, với cái nhìn tích cực. Hãy đổi mới suy nghĩ. Hãy làm cho lề luật nên nền tảng để thăng tiến, chứ không phải là xiềng xích kìm hãm đời ta. Hãy đến với Thiên Chúa, không phải như đến với vị quan tòa, nhưng như người cha nhân hiền hằng chăm sóc, yêu thương ta.
Chúa Giêsu là Đấng đến để hoàn tất mọi sự. Người cho ta được hưởng sự bình an vĩnh cửu nơi Ngài. Xin Chúa cho ta biết hưởng nếm trọn vẹn niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày. Xin cho ta, khi đứng trước những khó khăn, biết đặt mình trong tay Chúa với niềm tín thác. “Mọi lo âu, hãy trao cả cho Người, vì Người chăm sóc ta” (x. 1Pr 5,7).
[/loichua]